Lao động
Hướng dẫn về công tác quản lý, cơ chế tài chính đối với chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
02:15 PM 06/11/2019
(LĐXH) – Trong 2 ngày 6-7/11, tại Hà Nội, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác quản lý, cơ chế tài chính về chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chính sách về an toàn lao động có liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị có TS. Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động; Đại diện lãnh đạo và các chuyên viên phòng An toàn – Việc làm, Thanh tra, Kế hoạch - Tài chính thuộc các Sở LĐTBXH phía Bắc cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Hà Tất Thắng cho biết: Để tăng cường khả năng phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, tránh có sự tản mạn quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, Luật ATVSLĐ có quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Luật ATVSLĐ, nhưng việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.
Để triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định 44/2017/NĐ-CP về điều chỉnh giảm mức đóng. Bộ LĐTBXH cũng đã ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, nhìn chung cấp ủy, chính quyền địa phương đều quan tâm chỉ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách và sự phối hợp giữa các ban, ngành, các Hội đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm TNLĐ, BNN. Thực hiện quy định của Luật ATVSLĐ và Nghị định 37/2016/NĐ-CP, hầu hết các trường hợp TNLĐ, BNN đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật, cụ thể: Trong giai đoạn 2016 – đến 2018, các cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi khám giám định thương tật bình quân là hơn 1,9 tỷ đồng/năm; chi trợ cấp bình quân là gần 148 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề bình quân là gần 67 tỷ đồng/năm; chi hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN trong năm 2018 là 200 triệu đồng; năm 2017 phê duyệt hỗ trợ kinh phí huấn luyện từ bảo hiểm xã hội là hơn 96 tỷ đồng cho 38.276 người; năm 2018 phê duyệt hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc là gần 43 tỷ đồng… Tuy vậy, việc triển khai còn vướng mắc, chậm do một số quy định về tài chính, thủ tục hành chính quá phức tạp.
TS Hà Tất Thắng cũng cho biết, để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc Bộ LĐTBXH cũng đang khẩn trương xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP theo hướng: Bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ DN thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN. Dự kiến Nghị định sửa đổi Nghị định số 37/2016/NĐ-CP sẽ trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động trình bày tổng quan về bảo hiểm TNLĐ, BNN
Tại Hội nghị đại diện các Sở LĐTBXH cũng báo cáo kết quả triển khai hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ, BNN tại địa phương. Đại diện Cục An toàn lao động hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý, cơ chế tài chính đối với chi phí quản lý bảo hiểm TNLĐ, BNN. Các đại biểu cũng trao đổi ý kiến để đưa ra cơ chế quản lý TNLĐ, BNN phù hợp…/.
Nguyễn Hiền