Lao động
Hưng Yên giúp người dân giải quyết việc làm thông qua vay vốn tín dụng ưu đãi
04:11 PM 14/10/2020
(LĐXH)-Chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động ở Hưng Yên.

Hướng dẫn khách hàng vay vốn tín dụng CSXH tại điểm giao dịch xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể triển khai có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, từ đó tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Để góp phần giữ ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, các cấp, ngành của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng.
Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền những ưu đãi của nguồn vốn vay đến người dân, ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn. Cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường..., hàng trăm tỷ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Gia đình ông Trịnh Trường Sinh ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên đầu tư đất để trồng nhãn, tuy nhiên do nguồn vốn hạn chế, không mở rộng được quy mô, nhiều năm mô hình không phát triển được. Được tiếp cận với nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, ông đã mở rộng quy mô trang trại lên 2 mẫu để trồng và thâm canh một số giống nhãn thương phẩm như nhãn đường phèn, nhãn siêu ngọt cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra ông còn trồng thêm bưởi và nuôi gà để có thêm thu nhập. Ông Sinh chia sẻ dù số vốn vay không nhiều nhưng với mức lãi suất ưu đãi đã giúp gia đình anh có cơ hội để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ vốn cho vay giải quyết việc làm đã giúp gia đình ông Sinh có việc làm và thu nhập ổn định
Không riêng ông Sinh, thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều thanh niên đã khởi nghiệp sáng tạo và thành công; nhiều hộ dân được vay vốn phát triển kinh tế và mở rộng sản xuất tiêu biểu như gia đình ông Dương Văn Sản, thôn 1, xã Quảng Châu phát triển và mở rộng mô hình trồng cây Cam; chị Nguyễn Thị Thắm, bà Mai Thị Thúy, ở  thôn Cao, xã Bảo Khê vay để đầu tư máy móc, phát triển  nghề làm hương, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, đến hết 30/6/2020, dư nợ cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt trên 157 tỷ đồng, chiếm 5,4% tổng dư nợ các chương trình cho vay với hơn 4 nghìn khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó có 70 khách hàng là người khuyết tật được vay vốn giải quyết việc làm với 1.2 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã  hội chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã giúp cho 1.755 dự án được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, qua đó có 2,4 nghìn lao động được tạo việc làm ổn định. Hầu hết các dự án vay vốn được đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống và kinh doanh tổng hợp.
 
Nhìn chung, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. 
Trong thời gian tới, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm cũng cần đổi mới hoạt động, các hội, đoàn thể lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời chương trình cần Ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động thanh niên, phụ nữ nông thôn./.
Minh Hằng