Xã hội
Huấn luyện nâng cao kiến thức về kỹ năng dự báo thời tiết nguy hiểm và truyền phát bản tin cảnh báo
09:38 AM 23/03/2018
(LĐXH) - Từ ngày 19 - 30/3/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tổ chức Hội thảo huấn luyện dành cho các dự báo viên thuộc Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) về dự báo thời tiết nguy hiểm và truyền phát bản tin cảnh báo.
Hội thảo bao gồm 2 hợp phần chính là huấn luyện về Dự báo thời tiết nguy hiểm (từ ngày 19-23/3) và huấn luyện về phục vụ thời tiết cộng đồng (từ ngày 26-30/3).
Đây là cơ hội để các cán bộ làm công tác dự báo và phục vụ thời tiết cộng đồng (PWS) của nước đăng cai có thể được huấn luyện dự báo thời tiết số (NWP) và thông tin vệ tinh để cải thiện dự báo thời tiết nguy hiểm và cung cấp dịch vụ cảnh báo ở cấp quốc gia và địa phương.
Ông Trần  Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Hồng Thái – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Việt Nam tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) cho khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 2010 và được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (RFSC-Hà Nội). Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện pha trình diễn từ năm 2016 đến nay. Tổng cục KTTV đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Philippines và Thái Lan thực hiện Hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro bằng cách liên tục cung cấp những chỉ dẫn chất lượng cao cho các sự kiện thời tiết nguy hiểm sắp xảy ra. Điều này đã giúp các nước trong khu vực dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai chính xác và kịp thời hơn đến người dùng.
Với những đóng góp tích cực trong công cuộc phòng chống thiên tai ở khu vực, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc tăng cường năng lực cũng như chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho các nước trong khu vực, kết nối các nước thành viên trên tinh thần của Tổ chức Khí tượng Thế giới và cho sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực. Với chức năng, trách nhiệm mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước, Tổng cục KTTV có thể tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực và các đối tác quốc tế trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; trở thành đối tác chính của các nước thành viên khác trong khu vực.
“Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Tổ chức Khí tượng Thế giới đối với hoạt động hiệu quả của Trung tâm Hỗ trợ Khu vực ở Hà Nội. Điều này có ý nghĩa hơn trong năm 2018 khi Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc họp lần thứ 50 của Ủy ban Bão và trở thành chủ tịch của Ủy ban Bão” – ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Ông Ata Hussain, đại diện Tổ chức Khí tượng Thế giới phát biểu tại Hội thảo.
Đại diện WMO, ông Ata Hussain cho biết: Hội thảo tập huấn SWFDP là cơ hội để nhiều cán bộ làm công tác dự báo và phục vụ thời tiết cộng đồng (PWS) của nước đăng cai có thể được huấn luyện dự báo thời tiết số (NWP) và thông tin vệ tinh để cải thiện dự báo thời tiết nguy hiểm và cung cấp dịch vụ cảnh báo ở cấp quốc gia và địa phương. Các cuộc hội thảo tập huấn được tổ chức với sự hợp tác chặt chẽ với Chương trình Phục vụ Thời tiết Cộng đồng (PWS) của WMO để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan KTTV quốc gia với người sử dụng sản phẩm bao gồm các cơ quan quản lý rủi ro thiên tai và truyền thông thông qua phối hợp và tương tác hiệu quả để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ cảnh báo.
“Chương trình PWS hỗ trợ thực hiện Chiến lược WMO về cung cấp dịch vụ bao gồm việc tăng cường các cảnh báo dự báo dựa trên tác động và cảnh báo thông tin rủi ro và thực hiện Giao diện cảnh báo chung (CAP). Tuần lễ 2 của hội thảo sẽ tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh của PWS. Mục tiêu khác của các cuộc hội thảo SWFDP là “đào tạo giảng viên”. Vì vậy, người tham gia dự kiến sẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm đào tạo cho đồng nghiệp góp phần cải thiện các dịch vụ dự báo và cảnh báo quốc gia” - ông Ata Hussain cho biết thêm.
Theo ông Ata Hussain, sự phát triển và thực hiện các dự án khu vực SWFDP bao gồm cả ở Đông Nam Á sẽ không thể có nếu không có sự đóng góp từ các Trung tâm Toàn cầu và khu vực. Các Trung tâm này không chỉ cung cấp sản phẩm mà còn hỗ trợ cho các hội thảo đào tạo SWFDP theo hình thức cử chuyên gia và giảng viên tới các nước thành viên tham gia Dự án SWFDP.
Các nước tham gia SWFDP ở Đông Nam Á đang được hưởng lợi rất lớn từ các sản phẩm NWP toàn cầu, các sản phẩm hướng dẫn và thông tin vệ tinh được cung cấp thông qua SWFDP. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để duy trì hoạt động và phát triển sự phối hợp với các dự án và sáng kiến có liên quan bao gồm Hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS) nhằm hỗ trợ hoạt động cho hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro và tăng cường các dịch vụ này ở Đông Nam Á.
Thảo Lan