Giáo dục - Nghề nghiệp
Hợp tác quốc tế cơ hội và tiềm năng trong phát triển giáo dục nghề nghiệp
11:09 AM 19/11/2021
(LĐXH) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và ảnh hưởng sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức quốc tế là một trong những giải pháp ưu tiên, trọng tâm...
Ký kết biên bản ghi nhớ trong hợp tác với Hàn Quốc về GDNN
Hoạt động đào tạo giáo dục nghề nghiệp đang đứng trước thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0, dịch COVID-19... Đặc biệt, “Thế giới phẳng” tạo ra sự dịch chuyển theo nhu cầu lao động giữa các nước, đòi hỏi các quốc gia phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình; mặt khác, đòi hỏi người lao động phải có năng lực cạnh tranh cao. Người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề và phải có năng lực sáng tạo, có khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ và đòi hỏi người lao động phải học tập suốt đời.
Thêm vào đó, các dự án liên kết đào tạo quốc tế; trao đổi kinh nghiệm và tiêu chuẩn giáo dục nghề nghiệp; trao đổi chương trình giáo trình; trao đổi giảng viên, sinh viên; du học sinh và thực tập sinh được coi là các mô hình hợp tác quốc tế quan trọng hiện nay. Nhờ đó, các sinh viên học nghề có nhiều cơ hội được tiếp cận với trình độ cao hơn, phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như mở ra các cơ hội nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.
Các trường đào tạo nghề đang đứng trước cơ hội chuyển mình quan trọng nhằm nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như khai thác tối đa tiềm năng phát triển trong lĩnh vực hợp tác đào tạo quốc tế nhằm tạo ra nhiều hơn các cơ hội nghề nghiệp trình độ cao cho sinh viên.
Trnh thủ sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Tại buổi tọa đàm: "Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và tiềm năng" do Tổng Cục GDNN tổ chức bà Vũ Lan Hương, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: Đã có khoảng 5.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo; Khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài (Malaysia, Australia, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc); 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Australia, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam… một giải pháp mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiêp hướng đến là mở rộng quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong khu vực và thế giới (đào tạo theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn năng lực cho nhà giáo…); đào tạo ở nước ngoài,chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam; đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ…”
Trên thực tế, công tác hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp vẫn còn một số khó khăn vướng mắc bởi số giáo viên được tiếp cận với các công nghệ mới tại các nước pát triển còn rất khiêm tốn nếu so với sánh với gần 90.000 nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về định hướng hợp tác quốc tế thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề. Tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội tahor tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển và nâng cao chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia, cơ quan, tổ chức quốc tế. Thông tin về định hướng, tiềm năng, cơ hội hợp tác trong phát triển đội ngũ giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia. Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các cơ quan, tổ chức hợp tác quốc tế để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Chủ động áp dụng khoa học của các nước tiên tiến vào thực tiễn
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN cho biết: “Trước áp lực cuộc cách mạng công nghiệp 4,0, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo. Theo đó, đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với tri thức, kỹ năng, mô hình, quản lý giáo dục mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài để theo kịp xu hướng mới của nền giáo dục thế giới. Sự hỗ trợ, hợp tác với tổ chức giáo dục quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam là rất quan trọng. thời gian qua, nhiều học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có thành tích cao trong kỳ thi tay nghề ASEAN hay của thế giới. 80% học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường... Điều này cho thấy việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp sư phạm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn liền với nhu cầu thực tế của Việt Nam là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp phục hồi, giữ ổn định thị trường lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 mà sẽ tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ…”
Nguyễn Hữu Bắc