Xã hội
Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2025
03:14 PM 14/05/2020
(LĐXH)- Ngày 14/5, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức buổi làm việc và ký kết văn bản thỏa thuận với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) về việc hợp tác thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020 - 2025.
Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ rà phá bom, mìn, vật liệu chưa nổ, phục hồi môi trường, truyền thông giảm thiểu hậu quả chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và hỗ trợ phát triển.
Tại Quảng Bình, Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy cam kết hỗ trợ tỉnh Quảng Bình các dự án khắc phục hậu quả bom mìn, cụ thể là dự án Đơn vị cơ sở dữ liệu và điều phối hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và dự án Khảo sát dấu vết bom chùm. Hỗ trợ tỉnh Quảng Bình triển khai mô hình “tỉnh an toàn”, nơi các khu vực ô nhiễm bom chùm và vật liệu nổ được khảo sát và xác định phục vụ hoạt động rà phá, đảm bảo đất đai được an toàn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh không còn đe dọa người dân và cản trở sự phát triển xã hội.
UBND tỉnh Quảng Bình làm việc và ký kết văn bản thỏa thuận với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy
Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý các cấp của tỉnh Quảng Bình và người dân nắm bắt thông tin về các khu vực ô nhiễm bom mìn và các khu vực đã được rà phá, phục vụ hoạch định hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hỗ trợ đời sống sản xuất, kinh doanh và đời sống của cộng đồng dân cư được an toàn thông qua việc bản đồ hóa các khu vực ô nhiễm bởi bom chùm và các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; phát triển năng lực giúp chính quyền địa phương quản lý cơ sở dữ liệu và điều phối các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.
Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cám ơn Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy đã dành sự quan tâm cho tỉnh Quảng Bình. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Quảng Bình là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn so với cả nước; bom chùm, vật liệu chưa nổ và các tàn dư chiến tranh khác vẫn thường xuyên đe dọa đến tính mạng, sự an toàn và cơ hội phát triển kinh tế của người dân địa phương. Vì vậy, việc Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy triển khai dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Bình sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của địa phương. Quảng Bình sẽ hợp tác, phối hợp tích cực với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy để dự án triển khai trong thời gian sớm nhất và đạt hiệu quả cao nhất.
Được biết, Quảng Bình là địa phương chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, hứng chịu nhiều bom, mìn, vật nổ và nơi đây là trọng điểm của các trận đánh quyết liệt. Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng sự khốc liệt và hậu quả của nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí bao thế hệ người dân Quảng Bình, nó đã tàn phá nặng nề môi trường sống và cướp đi sinh mạng của hàng vạn người dân.
Từ sau hòa bình lập lại (năm 1975) đến nay, Quảng Bình có 5.847 người chết và bị thương. Trong 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, làm chết 49 người và bị thương 115 người. Phần lớn các nạn nhân của bom mìn, vật nổ đều là lao động chính trong gia đình hoặc lứa tuổi vị thành niên hoặc thanh niên, nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng trở thành gánh nặng suốt đời của gia đình và xã hội. Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình, cũng như một số tổ chức phi Chính phủ đã tiến hành hàng loạt các hoạt động thu gom, rà phá bom, mìn, vật nổ. Tuy nhiên, do thiếu các nguồn lực và trang bị nên mới chỉ dừng lại ở mức thu gom các loại bom mìn, vật nổ vương vãi trên mặt đất và rà phá ở một số nơi trọng điểm. Đến nay, cả đất đai và con người Quảng Bình vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Theo số liệu điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), toàn tỉnh Quảng Bình có 159/159 xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn, với tổng diện tích ô nhiễm lên tới 224.934,5 ha (ước tính, mỗi 1m2 đất bị nhiễm khoảng 29kg vật liệu chưa nổ gây nguy hiểm cho người dân). Trong đó, thành phố Đồng Hới 7.718,5 ha, huyện Minh Hóa 39.250,5 ha, huyện Tuyên Hóa 24.258,7 ha, huyện Quảng Trạch 19.381,6 ha (bao gồm cả thị xã Ba Đồn hiện nay), huyện Bố Trạch 38.447,3 ha, huyện Quảng Ninh 46.038,8 ha, huyện Lệ Thủy 49.839,1 ha. Số bom mìn, vật nổ hiện còn nằm rải rác trên hầu hết các địa phương của tỉnh, ở mọi địa hình đồng bằng, rừng núi, dưới đáy ao hồ, sông suối, ven biển…
Tuy nhiên, Quảng Bình có trên 80% là nông dân dựa vào nông nghiệp, do còn nhiều bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh nên dễ gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân; họ không yên tâm hoặc không muốn canh tác trên các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ hoặc khi canh tác thì số người rủi ro bị tai nạn do bom mìn, vật nổ xẩy ra rất cao. Bên cạnh đó, trong thời gian nông nhàn, người dân một số địa phương đã tự đi dò tìm, thu nhặt phế liệu, trong đó có nhiều trường hợp đưa các loại bom mìn, vật nổ về cưa, phá lấy thuốc nổ và phế liệu bán nên vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Chính vì vậy, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình nói riêng là vô cùng cần thiết, việc đẩy mạnh công tác rà phá, chung tay hỗ trợ và tạo sinh kế cho nạn nhân bom mìn có ý nghĩa lớn trong ổn định tâm lý người dân, giúp bà con thực sự yên tâm phát triển sản xuất.

Chí Tâm