Lao động
Hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết
09:30 AM 02/02/2023
(LĐXH)- Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 1/2023, hơn 95% người lao động đã quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động thành phố, tính đến ngày 27/1, có trên 83% doanh nghiệp, với 94,67% công nhân lao động tại các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội quay trở lại làm việc.
Theo Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, nhìn chung công tác nắm bắt tư tưởng đoàn viên, công nhân lao động dịp Tết được triển khai đồng bộ, công đoàn đã kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động. Vì vậy, dịp Tết Nguyên đán, không có hiện tượng đình công, ngừng việc tập thể, sau Tết, tỷ lệ công nhân lao động quay trở lại làm việc cao.
Tại Bắc Ninh, toàn bộ 1.190 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động với hơn 307.000 lao động đi làm, chiếm tỷ lệ hơn 99% lao động. Thái Nguyên cũng có gần 95% công nhân đã đi làm lại ngày từ ngày 27/1 (mùng 6 Tết).
Người lao động tìm việc làm tại phiên giao dịch đầu năm do Trung tâm DVVL Hà Nội tổ chức
Tại TP HCM, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, tính đến ngày 27/1 (mùng 6 Âm lịch) đã có hơn 42% doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động trở lại, hơn 50% doanh nghiệp sẽ hoạt động vào ngày 30/1 (mùng 9 Âm lich). Nguyên nhân là do mùng 6 Âm lịch rơi vào ngày thứ Sáu nên một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ đến hết tuần và trở lại làm việc vào mùng 9 Âm lịch.
Với các doanh nghiệp trở lại làm việc trong ngày mùng 6 Âm lịch, tỷ lệ lao động đến làm chiếm 95%. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm hơn 94%, doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 97%.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết cuối năm 2022, tình hình hoạt động sản xuất khó khăn diễn ra tại một số doanh nghiệp nên người lao động có suy nghĩ thay đổi hơn các năm trước, tình trạng chuyển đổi việc làm sau Tết không còn là xu hướng.
Bên cạnh đó, trong năm qua, các doanh nghiệp luôn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, duy trì việc làm để ổn định nguồn lao động cũng góp phần tạo sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động.
Về nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết, qua khảo sát có 499 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển trong quý 1/2023 với số lượng hơn 14.300 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc - da giày 5.000 người, điện - điện tử 2.200 người, hóa nhựa 800 người, bán buôn có nhu cầu tuyển dụng 1.000 người.
Trong tháng 2/2023, trên địa bàn TP HCM sẽ có nhiều hoạt động giao dịch việc làm do các đơn vị dịch vụ việc làm thực hiện. Trong đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên phối hợp với các đơn vị trên địa bàn sẽ tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động để kết nối người lao động tại các tỉnh. 
Ngoài ra sẽ có nhiều phiên, sàn giao dịch trực tuyến do trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức để doanh nghiệp và người lao động ở các tỉnh gặp gỡ, trao đổi, giải quyết nhu cầu lao động trong quý 1/2023.
Chăm lo cho 8,4 lượt triệu đoàn viên công đoàn
Cũng theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đã có hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các họat động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí hơn 5.185 tỷ đồng. 
Trong đó đã hỗ trợ quà và tiền mặt cho hơn 6,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền gần 4.747 tỷ đồng; hỗ trợ 124.691 vé tàu/xe/máy bay cho đoàn viên, người lao động với số tiền là hơn 160 tỷ đồng; bố trí 2.351 chuyến xe để đưa 150.083 đoàn viên, người lao động về quê đón Tết với số tiền gần 49 tỷ đồng; tổ chức trao tặng 785 căn nhà "Mái ấm Công đoàn" với tổng số tiền gần 23 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác tới hơn 1,9 triệu lượt người với tổng số tiền trên 206 tỷ đồng.
Theo số liệu chưa đầy đủ, các cấp công đoàn tạm tính chi từ nguồn tài chính công đoàn 2.421 tỷ đồng; kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo cho đoàn viên, người lao động 2.764 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn chuẩn bị chu đáo, kỹ càng với các biện pháp, hình thức, phân cấp nguồn lực phù hợp; chủ đề, phương châm, đối tượng chăm lo vừa bao quát, vừa cụ thể và phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh, thu nhập, việc làm của doanh nghiệp, người lao động, nguồn lực của tổ chức công đoàn./.
Hồng Minh