Xã hội
Hơn 3 triệu người được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng
08:28 AM 19/02/2021
Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 12-2020, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3.149.226 người, trong đó: 51.229 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.812.372 người cao tuổi; 1.096.027 người khuyết tật và 189.598 đối tượng bảo trợ xã hội khác với tổng kinh phí hơn 18,050 nghìn tỷ đồng, bao gồm chi trợ cấp xã hội hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế.
Công tác chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội đã được triển khai thông qua cơ quan Bưu điện tại 61 tỉnh, thành phố.
Chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội
Năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, Cục Bảo trợ xã hội đã chủ trì tham mưu, trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai được chú trọng, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Năm 2020, để khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định xuất cấp tổng cộng 22.989,145 tấn gạo cứu đói cho 265.967 hộ với 1.046.326 khẩu thiếu đói. Trong công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Cục đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ sở y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng, cơ sở trợ giúp xã hội tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cử cán bộ tham gia trả lời điện thoại của người dân gọi tới qua đường dây nóng 111 giải đáp các thắc mắc của đối tượng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc chi trả hỗ trợ người dân tại địa bàn được phân công tại các tỉnh: Bình Phước, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm. Năm 2020, ngân sách Nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm đạt 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 1,8 triệu người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1,068 triệu người cao tuổi; hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.
Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập). Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng ngày càng rộng khắp. Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá hiện trạng hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn trước và nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội.../.
PV