Giáo dục - Nghề nghiệp
Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên vào năm học mới
11:16 AM 05/09/2017
Lễ khai giảng sáng 5/9 chỉ trong một tiếng với đầy đủ phần lễ, hội. Năm học mới, nhiều học sinh hy vọng việc thi cử không quá áp lực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai trường.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai trường ở Hà Nội 
Từ 6h30, trên khắp ngả đường thủ đô, học sinh tiểu học, hoặc nhà xa được phụ huynh đưa đến trường chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Những em cấp hai, cấp ba tự đi xe đạp đến trường. Hà Nội vào thu, trời nắng nhưng không gắt, đường phố thông thoáng. Tại những giao cắt lối vào trường học đều có công an đứng phân luồng, tránh ùn tắc.
1,8 triệu học sinh thủ đô sẽ vào năm học mới. Nhiều trường bắt đầu học từ tháng 8, nhưng phải đến 5/9 theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới làm lễ khai giảng. Dự kiến, buổi lễ bắt đầu từ 7h30 và kéo dài trong một tiếng. 
Học sinh trường THPT Trưng Vương trong lễ khai giảng.
Tại THCS Trưng Vương, cái nôi đào tạo nhiều trí thức, từ 7h học sinh đã trật tự xếp hàng chờ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và học sinh mới. Lê Phương Uyên, lớp 9M cho biết, ba năm học tại trường, đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước đến dự lễ khai giảng. "Cảm giác rất tự hào, em đã dậy sớm hơn để chuẩn bị", Uyên nói.
​Có mặt tại trường THCS Trưng Vương lúc 7h20, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã làm lễ trước bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ở sân trường, sau đó bước vào khu vực sân khấu trong tiếng vỗ tay chào đón của hàng trăm học sinh, giáo viên.
Sau diễn văn khai mạc ngắn gọn của hiệu trưởng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu, khẳng định giáo dục vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển. 
"Các em cần nỗ lực học tập, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, để sáng vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ mong muốn", Chủ tịch nước căn dặn, đồng thời đề nghị các cấp ngành xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Kết thúc bài phát biểu ngắn gọn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai giảng năm học mới và tham quan phòng truyền thống của trường Trưng Vương.
Hiệu trưởng nhảy cùng học sinh trong lễ khai giảng
Tại THPT Việt Đức (Hà Nội), từ 7h học sinh đã xếp hàng ngay ngắn ở sân trường. Đoàn học sinh lớp 10 diễu hành qua lễ đài trong sự chào đón của các anh chị lớp trên. Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình chào đón, tặng hoa cho đại diện từng lớp.
Chia sẻ rất yêu thích ngày khai giảng vì thầy trò được giao lưu với nhau, Trần Phương Thanh, 11N2 nói: "Học sinh trường Việt Đức luôn mong chờ khai giảng với sự bùng nổ của thầy hiệu trưởng. Em hy vọng năm học mới các kỳ thi kiểm tra sẽ nhẹ nhàng hơn, em và các bạn đạt thành tích cao nhất trong học tập".
Sau phần lễ, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình hâm nóng toàn trường khi thay bộ comple bằng áo phông và đội chiếc mũ con gà. "2017 là năm con gà, tôi cũng sinh năm con gà. Hy vọng trường THPT Việt Đức năm học 2017-2018 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp", thầy giải thích. 
Nữ sinh Huế khai trường trong tà áo dài
Từ 7h sáng, hơn 220.000 học sinh Thừa Thiên Huế đã tề tựu tại các trường học để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Tại THPT Trưng Vương, học sinh xếp hàng bước vào cổng trường, nơi có hai dãy dài nữ sinh trong trang phục áo dài trắng chào đón.
Nữ sinh THPT Trưng Vương xếp hàng dài chào đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Ảnh: Võ Thạnh.
Gần 1,7 triệu học sinh TP HCM khai trường
7h sáng, tại THPT Võ Văn Kiệt, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo TP HCM đến tham dự lễ khai giảng cùng hơn 1.000 thầy và trò trường này. Sau lễ chào cờ, học sinh lớp 11 và 12 trường THPT Võ Văn Kiệt chào mừng hàng trăm học sinh lớp 10. 
Với tư cách Chủ tịch ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã phát động tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh. Ông dặn dò học sinh phải tuân thủ luật lệ giao thông, luôn đội mũ bảo hiểm cho mình và người thân khi đi xe máy trên đường. "Không để tai nạn giao thông gây ra đau thương, tang tóc, là gánh nặng cho gia đình và xã hội", ông Bình nhấn mạnh.
Phần lớn học sinh tỏ ra hồi hộp trước thềm năm học mới với mong muốn chương trình học tập sẽ nhẹ nhàng hơn, không phải học thêm nhiều. Tô Thị Yến Nhi (lớp 11) mong muốn ngoài chương trình sách giáo khoa sẽ có thêm nhiều tiết học ngoại khóa, kỹ năng sống. 
Trong khi đó, Lâm Thanh Châu (lớp 12) cho biết khá căng thẳng khi bước vào năm học mới bởi đây là thời gian quyết định con đường vào đại học. "Hy vọng kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng, không bị thay đổi liên tục khiến chúng em vất vả", nữ sinh nói.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tham dự lễ khai giảng tại THPT Võ Văn Kiệt. Ảnh: Mạnh Tùng
Từ sáng sớm, con đường nhỏ dẫn vào Trường tiểu học Yên Thế (quận Tân Bình) đông nghẹt phụ huynh đưa con đi khai giảng. Khác với học sinh khối lớn hớn hở gặp lại bạn sau kỳ nghỉ hè, gương mặt các bé lớp một đầy vẻ háo hức xen lẫn hồi hộp, nắm tay cha mẹ không rời.
Trước khi buổi lễ bắt đầu, học sinh khối 5 đứng xếp hàng chào đón các bé lớp một nắm tay nhau, vẫy cờ đi giữa hai hàng kèn trống. Sân trường rộng hơn nghìn m2 càng thêm rộn rã khi thầy hiệu trưởng gửi những lời chúc mừng đến các bạn học sinh đầu cấp và trao những lời dặn dò học giỏi, chăm ngoan đến các em trong năm học mới.
Năm nay, tổng số học sinh TP HCM tăng gần 60.000 so với năm học trước, trong đó khối công lập tăng hơn 40.000, tập trung ở cấp mầm non và tiểu học các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức và huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Thành phố đã xây dựng mới gần 1.500 phòng học, đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn (kể cả những người chưa có hộ khẩu, thuộc diện tạm trú) có đủ chỗ học. 
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục, năm nay ngành giáo dục thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Nhà trường sẽ chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Học sinh sẽ được tham gia tiết học ngoài nhà trường nhiều hơn nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị trao phần thưởng cho Nhật Minh.
Ảnh: Hoàng Táo.
Quảng Trị khích lệ học sinh noi theo quán quân Olympia 17
Tại trường THPT Hải Lăng, lễ khai giảng năm nay có thêm một phần quan trọng - tuyên dương học sinh lớp 12 Phan Đăng Nhật Minh, quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17.
Ồng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gửi lời chúc mừng đến Nhật Minh, mong muốn giáo viên tiếp tục thực hiện được sứ mệnh cao cả, đào tạo người tài cho quê hương. “Tôi hy vọng nhiều học sinh cũng học tập, rèn luyện để vươn lên như Nhật Minh”, ông Hùng nói và nhấn mạnh tự học là quan trọng nhất, học để lập thân lập nghiệp.
Thanh Hóa khen thưởng học sinh giành huy chương Olympic quốc tế
Sáng nay, hơn 1.000 học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) khai giảng trong thời tiết tạnh ráo, mát mẻ. Năm đầu tiên học ở ngôi trường giàu truyền thống bậc nhất xứ Thanh, Đỗ Diệu Linh, lớp 10A2 chuyên tiếng Anh, chia sẻ mong muốn hoàn thành tốt chương trình năm học để có hành trang tốt nhất cho con đường lập nghiệp sau này. 
Nhà cách xa trường gần 40 km nên Vũ Việt Hùng, lớp 10A2 chuyên tiếng Anh, phải ở trọ đi học. Chưa thể thích nghi ngay với môi trường học tập mới, Hùng còn nhiều lo lắng: “Em sẽ nỗ lực hết mình để có thể lấy chứng chỉ Anh ngữ quốc tế và mong muốn giành được học bổng du học nước ngoài khi hoàn thành chương trình THPT”
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã biểu dương và trao tặng phần thưởng cho học sinh và thầy cô giành thành tích cao trong học tập, giảng dạy năm học 2016-2017. Trong đó có em Lê Quang Dũng, huy chương vàng Olympic Toán quốc tế; em Dương Tiến Quang Huy, huy chương bạc Olympic Sinh học…
Hơn 2.800 học sinh Cần Thơ học nhờ trường khác
Sáng 5/9, trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tổ chức lễ khai giảng tại hội trường trung tâm giáo dục thường xuyên. Do sức chứa hội trường có hạn, nên chỉ 122 em đại diện cho 61 lớp (hơn 2.800 học sinh) cùng khoảng 60 giáo viên và đại biểu đến dự lễ.
“Vì trường THCS Đoàn Thị Điểm sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp nặng, đang được đầu tư xây dựng mới, dự kiến đến giữa năm 2019 mới xong. Do vậy, năm học này, trường được bố trí dạy và học tạm tại Trường THCS Lương Thế Vinh và Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều” - thầy Võ Thành Tâm nói và cho biết lãnh đạo nhà trường đã động viên học sinh và giáo viên cố gắng khắc phục khó khăn về đường xá xa xôi hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hàng triệu học sinh cả nước chào đón năm học mới. Ảnh: Hoàng Thùy.
22,3 triệu học sinh bước vào năm học mới
Chiếm số lượng đông đảo nhất là học sinh tiểu học 7,8 triệu; học sinh THCS 5,2 triệu; mầm non, 5,1 triệu; THPT là 2,5 triệu; sinh viên 1,7 triệu. 
Năm học này, ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc quá tải trường lớp ở các đô thị lớn, thiếu phòng học kiên cố ở vùng sâu; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, nhưng lại thừa giáo viên THPT, năng lực của một bộ phận thầy cô không đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Cải thiện trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam cũng là bài toán đau đầu nhiều học năm qua, khi đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 bị đánh giá hiệu quả thấp. Sau 10 năm học tiếng Anh (bắt đầu từ lớp 3), học sinh không thể giao tiếp được.
Bên cạnh tồn tại lâu năm ở trên, có một số vấn đề mới phát sinh, như hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia theo hướng ra đề có tính phân loại cao hơn; siết chặt đầu vào ngành sư phạm. Điểm chuẩn trường sư phạm năm học này thấp kỷ lục, nhiều đại học chỉ lấy bằng mức sàn của Bộ Giáo dục -15,5, có trường cao đẳng tuyển thí sinh trung bình mỗi môn chỉ 3 điểm.
Theo vnexpress.net