Sức khỏe - Đời sống
Hơn 10% nhu cầu kế hoạch hóa gia đình của phụ nữ Việt Nam đã kết hôn hoặc sống chung không được đáp ứng
03:23 PM 26/09/2022
(LĐXH)- Ngày 26/9/2022, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tổ chức Hội nghị nhân Ngày Tránh thai thế giới 26/9, với chủ đề: “Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước” tại Hà Nội với sự đồng hành của Công ty Bayer Việt Nam.
Ý nghĩa của Ngày Tránh thai Thế giới 26/9
Ngày Tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt cho sức khỏe sinh sản.         
Thành tựu của công tác dân số Việt Nam
Sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và được duy trì trong suốt 16 năm qua.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong/1.000 trẻ sinh ra sống, giảm gần 3 lần so với năm 1979.
Tỷ suất chết mẹ (MMR) giảm mạnh, từ 69 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2009 xuống 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.  
Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 67% vào năm 2020. Thành công của Chương trình KHHGĐ Việt Nam là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh góp phần phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm thiểu tối đa việc phá thai và giảm nguy cơ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến mang thai và sinh con.
Các kết quả công tác dân số đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số -KHHGĐ (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc Hội nghị


Thực trạng về nhu cầu tránh thai không được đáp ứng và phá thai trên thế giới và ở Việt Nam
Trong giai đoạn 2015-2019, mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong số đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 45% số ca phá thai không an toàn, và hơn một nửa trong số đó xảy ra ở châu Á, phần lớn tập trung ở Nam Á và Trung Á. Mỗi năm có khoảng 4,7%-13,2% số ca tử vong mẹ được cho là do phá thai không an toàn. Ở các quốc gia phát triển, ước tính có 30 phụ nữ tử vong trên 100.000 ca phá thai không an toàn. Nhưng số ca tử vong tăng lên 220 ở các quốc gia đang phát triển và tăng đến 520 trên 100.000 ca phá thai không an toàn ở khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi. Các con số ước tính về mang thai ngoài ý muốn và tình trạng phá thai chỉ ra xu hướng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cũng như quyền tự chủ của phụ nữ. Mang thai ngoài ý muốn xảy ra khi phụ nữ muốn ngừng sinh con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh nhưng không dùng biện pháp tránh thai, hay dùng biện pháp tránh thai nhưng không hiệu quả, hoặc phải quan hệ tình dục trái ý muốn: một số giải quyết bằng cách phá thai, một số khác lựa chọn sinh con dù không muốn.
Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (SDGCW Việt Nam 2020-2021) do Tổng cục Thống kê, UNICEF và UNFPA thực hiện thì tổng nhu cầu không được đáp ứng về KHHGĐ đối với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%. Tỷ lệ này cao hơn so với 6,1% của Điều tra tương tự năm 2014. Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu KHHGĐ không được đáp ứng là 40,7%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung. Nhu cầu không được đáp ứng về KHHGĐ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống.
Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ KHHGĐ ở Việt Nam do Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) thực hiện năm 2016 cho thấy phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.
  Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính trong Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 cho thấy tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), rồi đến nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ (SDGCW Việt Nam 2020-2021).
 
Hệ lụy của phá thai không an toàn
Thực hiện phá thai không an toàn trong điều kiện kém an toàn nhất có thể dẫn tới một số biến chứng như:
  • Sót thai gây rong huyết do không lấy hết toàn bộ phần phôi thai. 
  • Rách cổ tử cung do thao tác thực hiện thô bạo, không đúng kỹ thuật gây viêm nhiễm. Trường hợp nặng hơn có thể gây băng huyết đe dọa đến tính mạng của thai phụ.
  • Tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung do dụng cụ không được tiệt trùng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và có thể dẫn đến vô sinh.
  • Rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh nguyệt do viêm dính tử cung.
  • Thủng tử cung.
  • Sốc do đau, do dùng thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật.
  • Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
 
Định hướng của công tác KHHGĐ trong thời gian tới
Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn”.
Như vậy, có thể thấy ngay từ mục tiêu đầu tiên của Nghị quyết số 21-NQ/TW, Đảng ta đã xác định phải “duy trì mức sinh thay thế”, điều này có nghĩa là vẫn duy trì kế hoạch hóa gia đình, cung cấp đủ phương tiện tránh thai để đảm bảo “mỗi cặp vợ chồng có 2 con”, tức là “không thể từ bỏ KHHGĐ”. Vấn đề là cần tổ chức KHHGĐ theo phương thức mới. Đó là “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”.
Trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
 
Chương trình truyền thông kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng hợp tác giữa Tổng cục Dân số, Hội LHPN Việt Nam và Công ty TNHH Bayer Việt Nam
Tổng cục DS-KHHGĐ đã ký Thỏa thuận hợp tác với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty TNHH Bayer Việt Nam về việc thực hiện Chương trình truyền thông kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020. Và Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục ký Thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình truyền thông kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe cộng đồng với Công ty TNHH Bayer Việt Nam cho giai đoạn 2021-2025. 
Chương trình cũng đạt được nhiều thành tích ấn tượng trong thời gian ngắn:
Giai đoạn 1:
- Năm 2017, hơn 8 triệu người biết đến các hoạt động của chương trình.
- Năm 2018, chương trình đã cóhơn 15 triệu lượt tiếp cận.
- Năm 2019, chương trình đã có khoảng 25 triệu lượt tiếp cận.
Trong giai đoạn 1 các hình thức truyền thông, giáo dục chính là: Tổ chức các hội thảo tập huấn cho các cán bộ dân số và cán bộ Hội phụ nữ các tỉnh, thành phố; các hoạt động tuyên truyền trên các kênh truyền thông trực tuyến; truyền thông trên Fanpage "Sinh viên sống chủ động" cho đối tượng  sinh viên giao lưu và tìm hiểu về  các biện pháp tránh thai; tổ chức hội thảo tại các trường đại học về tránh thai và trên website là cuộc thi online “Sinh viên sống chủ động”; xây dựng và phổ biến App Mobile với tên “Sống chủ động” trên cả nền tảng Android và IOS.
Giai đoạn 2:
Từ năm 2020-nay, do đại dịch COVID-19 bùng nổ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động offline trong công tác tuyên truyền dân số - KHHGĐ. Nhanh chóng thích nghi với thách thức của thời điểm đó, TCDS cùng các đơn vị đồng hành đã chuyển hướng đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến (online) hơn để vừa đảm bảo quy tắc phòng chống dịch bệnh, vừa giúp chị em phụ nữ vẫn tiếp cận được các thông tin về sức khỏe sinh sản một cách khoa học, chính thống.
- Năm 2020, tổng lượt tiếp cận cho các chiến dịch truyền thông trực tuyến được ghi nhận lên đến gần 31 triệu lượt.
- Năm 2021, tổng lượt tiếp cận cho các chiến dịch truyền thông trực tuyến được ghi nhận lên đến gần 29 triệu lượt.
- Nửa đầu năm 2022, tuy đại dịch dần được khống chế nhưng người dân vẫn còn cảnh giác trước sự lây lan của dịch bệnh, công tác dân số của chương trình ở nửa đầu năm 2022 vẫn tiếp tục được duy trì ở hình thức online với tổng lượt tiếp cận lên đến hơn 3,5 triệu lượt.
Trong giai đoạn 2 các hình thức tuyên truyền trực tuyến đã thực hiện gồm: Sản xuất các clip về việc tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn; các thông tin, bài viết khoa học nhưng không kém phần trẻ trung, trendy trên cả Fanpage và Website Phụ nữ sống chủ động và Fanpage, Zalo, Tiktok, Youtube “Truyền thông dân số” của Tổng cục DS;  series các clip giáo dục giới tính trên Youtube có sự tham gia của chuyên gia sản phụ khoa; phát sóng các số Radio trò chuyện cùng chuyên gia tại kênh Truyền hình Quốc Hội Việt Nam; phối hợp với nhiều người nổi tiếng để thực hiện các số livestream trên fanpage cá nhân nhằm lan tỏa thông tin và ý thức tránh thai chủ động đến với càng nhiều các đối tượng phụ nữ hơn ./.
Thảo Lan