Lao động
Homestay - điểm nhấn độc đáo của du lịch Yên Bái
09:38 AM 25/07/2017
(LĐXH)- Du lịch cộng động (homestay) đã và đang trở thành điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Yên Bái.
Tại TX Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải…, dịch vụ du lịch cộng đồng được du khách rất ưa chuộng. Do đó nhiều gia đình đã triển khai loại hình dịch vụ này và đã được cơ quan chức năng địa phương tạo điều kiện như giúp đỡ đào tạo nghề, quảng bá hình ảnh… Đặc biệt, thông qua chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), nhiều người dân địa phương đã được theo học, từ đó có cách thức làm du lịch cộng đồng bài bản, văn minh hơn.
Là một học viên theo học khóa Du lịch cộng đồng, do Trung tâm Dạy nghề của trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch Yên Bái phối hợp với Phòng Văn hóa TX Nghĩa Lộ tổ chức vào năm 2015, chị Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi, TX Nghĩa Lộ cùng một số chị em ở địa phương đã biết làm du lịch cộng đồng bài bản và văn minh hơn. Là một phụ nữ người Thái xinh đẹp, nền nã, với mong muốn quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc bản địa tới du khách xa gần, từ năm 2011, chị Hồng Chung đã manh nha làm du lịch cộng đồng.
Chị Lường Thị Hồng Chung đang giới thiệu cho du khách dịch vụ nghỉ tại nhà
Tuy nhiên, đến khi tham gia học lớp ngắn hạn, được bồi dưỡng thêm về kiến thức đã giúp chị làm du lịch cộng đồng khoa học hơn. Thời gian gần đây, khách trong và ngoài nước tìm về cánh đồng Mường Lò nhiều hơn. Gia đình chị Hồng Chung năm 2016 đã đón khoảng 500 lượt khách quốc tế, còn khách trong nước thì hàng nghìn lượt. Du lịch cộng đồng cũng giúp chị tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 chị em và hàng chục người theo mùa vụ.
Chị Lường Thị Hồng Chung cho biết: “Nếu như trước đây, một vài hộ dân ở Chao Hạ làm du lịch cộng đồng theo kiểu tự phát, thì nay các kỹ năng đã dần hoàn thiện hơn, như cách bố trí nơi ăn nghỉ, đưa đón khách; hiểu được thị hiếu, sở trường, mục đích đi du lịch của khách, giới thiệu những món ăn đặc sản… Bên cạnh đó, chúng tôi đã biết khai thác những truyền thống văn hóa của dân tộc và địa phương mà trước đó chưa làm được hoặc chưa nghĩ đến”.
Nhà sàn rợp bóng mát đem lại cho du khách không gian yên tĩnh, thư giãn
Cũng tại TX Nghĩa Lộ, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Phượng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghĩa An. Chị Phương cũng rất thành công khi phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại gia đình. Theo chị Phượng, để phát triển hiệu quả mô hình du lịch tại nhà, chị và các thành viên trong gia đình luôn ý thức giữ gìn nếp nhà truyền thống 3 thế hệ, giữ gìn kiến trúc nhà sàn, phong tục tập quán của dân tộc Thái với các vật dụng mang giá trị văn hóa đặc trưng riêng của người dân bản địa như: chăn, ga, gối, đệm… sử dụng các chất liệu thổ cẩm. Kết hợp hài hòa ẩm thực truyền thống của dân tộc với những món ăn mang phong cách hiện đại, phù hợp với khẩu vị của du khách, nhất là khách du lịch là người nước ngoài; trong đó, đặc biệt coi trọng cách chế biến công phu các món ăn truyền thống.
Chị Hoàng Thị Phượng cùng những sản phẩm du lịch do chính người dân địa phương làm
Từ khi tham gia lớp tập huấn năm 2015, chị Phượng đã nhận thức sâu sắc hơn khi phát triển du lịch cộng đồng, đó là phải phát huy bản sắc văn hóa để tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách. Những sản phẩm du lịch chị đều đem văn hóa địa phương tạo điểm nhấn, từ đồ lưu niệm tới các món ẩm thực. Hằng năm, gia đình chị đón khoảng 1.000 khách trong và ngoài nước, doanh thu khoảng 150 triệu đồng. Chị đã kết nối với hơn 40 công ty du lịch trong nước để đưa đón khách…
Tiềm năng, lợi thế và sức hút từ du lịch cộng đồng homestay đối với du khách, nhất là những du khách ngoại quốc đã và đang tạo lợi thế cho du lịch Yên Bái. Để lĩnh vực này phát triển hơn nữa, chị Lường Thị Hồng Chung đề nghị: “Các cơ quan hữu quan tạo điều kiện tốt nhất để bà con làm du lịch cộng đồng, với kỳ vọng biến Nghĩa Lộ sẽ thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong và ngoài nước trên cung đường Tây Bắc hùng vĩ và nên thơ của đất nước ta.
Bên cạnh đó, bà con cũng mong muốn được thăm quan các mô hình du lịch cộng đồng của các địa phương khác, cũng như được tham gia nhiều hơn nữa vào những chương trình đào tạo, để 17 dân tộc anh em ở thị xã Nghĩa Lộ có cơ hội được quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình”./.

Dương Thìn