Xã hội
Hội thảo về chân dung người nông dân Việt Nam thời kỳ hội nhập và công bố sách chuyên khảo về bức tranh sinh kế của người nông dân
04:43 PM 11/11/2019
(LĐXH) Vừa qua, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam: Cơ hội và thách thức” và ra mắt sách chuyên khảo “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.

Hội thảo được nhà trường tổ chức nhằm báo cáo các nội dung đã nghiên cứu trong thời gian qua xoay quanh chủ đề về chân dung người nông dân Việt Nam và cơ hội, thách thức của họ trong thời kỳ hội nhập.  Đây cũng là dịp để các cán bộ nghiên cứu, các cán bộ giảng dạy, các cán bộ quản lý và các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nhất là vấn đề nông dân giao lưu, trao đổi.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết,năm 2019 là thời điểm bản lề để Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới với những thời cơ và thách thức mới. Trong quá trình biến đổi to lớn đó, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, sẽ chuyển mình thành đội ngũ lao động phi nông nghiệp hùng hậu và lượng lượng thị dân mới trong tương lai. Người nông dân của nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại sẽ ít hơn về số lượng nhưng mạnh hơn rất nhiều về chất lượng. Đây là một quá trình cách mạng to lớn, đầy thử thách phải được dẫn dắt bằng những chính sách và chiến lược phát triển hợp lý.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, một trong những thành viên mới của Học viện là Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiến hành nghiên cứu về hiện trạng đời sống và sinh kế của nông dân Việt Nam, định hướng phát triển cho nông dân trong tương lai, đóng góp các tài liệu hữu ích xây dựng chương trình hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và đóng góp thiết thực vào công tác cải tiến nội dung Chương trình Phát triển nông thôn trong giai đoạn mới.
Dựa trên các thông tin từ các cuộc điều tra chính thức của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nghiên cứu chuyên đề của một số viện nghiên cứu, trường đại học về lĩnh vực này và tập hợp thành cuốn sách “Bức tranh sinh kế người nông dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập 1995 - 2018” do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành cuối tháng 10/2019. Đây là một tài liệu nghiên cứu tổng hợp, mô tả tình hình nông dân Việt Nam về nhiều khía cạnh khác nhau như đời sống kinh tế, thể chất, xã hội và chính trị, đồng thời chỉ ra các cơ hội và thách thức của nông dân trong tương lai.
Cuốn sách gồm mười chương: Chương một bàn về khái niệm “hộ nông dân Việt Nam”. Chương hai mô tả các chiến lược sinh kế chính và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh của các hộ nông dân tại Việt Nam. Từ Chương ba đến chương tám phân tích hiện trạng sinh kế của hộ nông dân Việt Nam trên các khía cạnh chính như thu nhập, chi tiêu, tích lũy, đất đai, tài sản, thể trạng, lao động, việc làm, sản xuất, rủi ro,  … Hai chương cuối của cuốn sách đánh giá cơ hội và thách thức trong chiến lược phát triển sinh kế bền vững của từng nhóm hộ nông dân và đưa ra các định hướng chính sách để phát triển sinh kế hộ nông dân bền vững nhằm bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống người nông dân.
Ảnh minh họa
Theo số liệu nghiên cứu được công bố trong cuốn sách này, nếu năm 2002, các hộ gia đình ở nông thôn tích lũy bình quân được 7 triệu đồng/năm, còn các hộ đô thị là 15 triệu đồng/năm thì đến năm 2016, con số này lần lượt tăng lên 22 triệu đồng và 55 triệu đồng/năm. Điều này đồng nghĩa với khoảng cách chênh lệch mức độ tích lũy giữa các hộ nông thôn và đô thị ngày càng được nới rộng ra; thậm chí ngay trong nông thôn, nhóm nghèo và cận nghèo có mức tích lũy... âm.
Bên cạnh đó, mức độ tích lũy của hộ gia đình nông thôn giữa các vùng cũng có sự chênh lệnh rất cao. Đông Nam Bộ là vùng có mức tích lũy cao nhất cả nước, sau đó đến Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Mức tích lũy của hộ ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung là rất thấp và gần như không tăng trong suốt giai đoạn 2002 - 2016, chỉ xấp xỉ trên dưới 5 triệu đồng/năm.
Về thu nhập của các hộ, trong giai đoạn 2002 - 2016, thu nhập nhóm hộ đô thị và hộ nông thôn tại Việt Nam đều tăng. Tuy nhiên, khoảng cách thu nhập giữa nhóm hộ đô thị và hộ nông thôn về giá trị tuyệt đối không được thu hẹp, thậm chí đang doãng dần ra. Vào năm 2002, thu nhập của hộ đô thị là 66,2 triệu đồng/hộ/năm, cao hơn 33,7 triệu với thu nhập của hộ nông thôn là 32,5 triệu đồng/hộ/năm, đến năm 2016 thu nhập của hộ đô thị đã tăng lên 146,1 triệu đồng/hộ/năm.
Xem xét sâu hơn về mức thu nhập giữa các nhóm hộ phân theo giàu nghèo tại nông thôn cho thấy mức bất bình đẳng trong các nhóm đang nới rộng ra. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng thu nhập của nhóm hộ giàu nhanh hơn 1,6 lần tốc độ tăng trưởng của nhóm hộ nghèo (6,96% so với 4,5%). Khoảng cách thu nhập tuyệt đối giữa 2 nhóm này tăng từ 69,9 triệu đồng/hộ/năm vào năm 2002 lên 187,4 triệu đồng/hộ/năm vào năm 2016, tương đương mỗi năm khoảng cách này doãng ra 7,3%. Nếu so sánh về chênh lệch thu nhập tương đối, năm 2002 thu nhập bình quân năm của nhóm hộ giàu chỉ cao gấp 7,3 lần nhóm hộ nghèo thì đến năm 2016 con số này tăng lên ở mức 10,1 lần...
Cuốn sách cũng chỉ ra các cơ hội và thách thức của nông dân và đưa ra các khuyến nghị chính sách thiết thực.
Tại Hội thảo, nhóm tác giả TS Đặng Kim Khôi, TS Trần Công Thắng và cộng sự dưới sự cố vấn của TS Đặng Kim Sơn đã đề xuất các giải pháp, đổi mới tổ chức sản xuất, áp dụng chính sách hỗ trợ đột phá để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời đổi mới tổ chức quản lý ác ngành hàng nông sản, hình thành Ban điều phối ngành hàng; Toàn dụng lao động nông thôn trong giai đoạn cửa sổ vàng tuổi dân số còn mở. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng cơ chế giảm thiểu/chia sẻ rủi ro với hộ nông dân: Bảo hiểm nông nghiệp, quỹ tự nguyện;
Mặt khác, hoàn thiện cơ chế chính sách, đất đai, tín dụng, đào tạo, liên kết thu hút doanh nghiệp; xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm đến môi trường văn hóa, OCOP, phát triển cộng đồng thôn bản; tăng đầu tư cho nông nghiệp: Logistics, khoa học công nghệ; đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển đô thị và nông thôn.
Thảo Lan