Xã hội
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với người khuyết tật ở Việt Nam”
05:13 PM 21/03/2023
(LĐXH) - Thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (NKT), Luật NKT, Chỉ thị số 39 -CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, sáng ngày 21/3, tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp tạo việc làm đối với NKT ở Việt Nam”.
Đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội thảo
Tham dự, có ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, đại diện các Bộ, ngành liên quan, đại diện một số Sở Lao động - TBXH và Hội NKT một số tỉnh, thành phố phía Bắc, tổ chức quốc tế và NGO.
Tại Hội thảo, Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã tóm tắt quy định, chính sách đối với NKT Việt Nam. Theo đó, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Luật liên quan và các văn bản về công tác NKT. Các chính sách đối với NKT bao gồm: trợ cấp xã hội; cấp thẻ BHYT miễn phí; miễn giảm học phí khi đi học văn hóa, học nghề, miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông...; phụ cấp cho giáo viên dạy hòa nhập và chuyên biệt; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ việc làm, vay vốn với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 được ban hành với các chỉ tiêu cụ thể như trợ giúp về y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng... Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động là NKT còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%.
Ông Daniel Mont, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới cho biết: Theo kết quả cuộc điều tra quốc gia về lao động việc làm của một số nước cho thấy, NKT ít có khả năng có việc làm hơn, tỷ lệ tự kinh doanh cao hơn, đối với cả nam và nữ; khoảng cách việc làm của NKT tăng theo độ tuổi; Rào cản lớn nhất mà NKT gặp phải khi tham gia thị trường lao động là thiếu sự trợ giúp trong việc tìm kiếm việc làm và thái độ mà họ phải đối mặt tại nơi làm việc. Tiếp đó là thiếu sự ủng hộ của gia đình. Thêm vào đó, phụ nữ khuyết tật ít có khả năng được tuyển dụng. Do đó để hỗ trợ NKT tìm kiếm việc làm cần có các chính sách phi thị trường lao động như: Đẩy mạnh giáo dục hòa nhập, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giao thông thuận tiện; đào tạo hòa nhập cho NKT; thực tập và học nghề, nâng cao nhận thức cho NKT. Về chính sách thị trường lao động, cần ưu tiên nhà cung cấp; đào tạo nghề.
Các đại biểu tham gia Hội thảo
Còn theo Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2022 ở Việt Nam, có khoảng 31% NKT từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,4% người không khuyết tật. Có nhiều rào cản góp phần tạo ra khoảng cách việc làm cho NKT như ở các quốc gia  khác, bao gồm: Thái độ tiêu cực của người sử dụng lao động, gia đình và xã hội; chưa có luật chống phân biệt đối xử hoặc các chương trình chủ động khác nhằm hỗ trợ NKT trên thị trường lao động và nơi làm việc. Bên ngoài nơi làm việc, các rào cản là vấn đề như không thể tiếp cận phương tiện đi lại và nguồn thông tin; dịch vụ y tế không đầy đủ hoặc không thể tiếp cận. Tỷ lệ NKT trẻ tuổi gặp phải rào cản tại nơi làm việc cao hơn. Người sử dụng lao động có nhiều khả năng điều chỉnh lịch làm việc và công việc hơn là người sắp xếp lại nơi làm việc.
Việc hưởng trợ cấp đối với NKT ở Việt Nam gắn với mức độ khó khăn về chức năng chứ không phụ thuộc vào tình trạng không có khả năng lao động. NKT được xác nhận là bị một trong ba mức độ khuyết tât, thì được hưởng các chế độ khác nhau.
Có thể thấy, khoảng cách việc làm của NKT tại Việt Nam tương tự như ở nhiều quốc gia khác. Có nhiều chính sách việc làm đã được ban hành, mang lại kết quả khác nhau trên thế giới nhưng khi áp dụng những chính sách này tại Việt Nam cần hiểu rõ bối cảnh, cấu trúc của thị trường lao động và những rào cản quan trọng nhất mà NKT Việt Nam phải đối mặt.
Tại Hội thảo, đại diện một số bộ, ngành, đơn vị đã chia sẻ những ý kiến đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách trợ giúp NKT. Trong đó, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - TBXH) nhận định cần có quy định về chống phân biệt đối xử với NKT, quy định về hạn ngạch tuyển dụng NKT; nghiên cứu đánh giá, tổng kết sửa Luật NKT; việc quy định các chính sách đối với NKT phải được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Còn theo đại diện Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ NKT và các doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT trong các vấn đề về miễn giảm thuế, thuê mặt bằng... Tuy nhiên, nên điều chỉnh tỷ lệ hay giảm bớt các điều kiện để trợ giúp NKT tìm việc làm./.
Hồng Phượng