Xã hội
Hội thảo khu vực về tính bền vững của cơ chế tài chính đối với Bảo hiểm xã hội “Tính bền vững của hệ thống lương hưu trong ASEAN”
10:10 AM 22/09/2017
(LĐXH) – Ngày 21/9/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ban thứ ký ASEAN tổ chức Hội thảo khu vực về tính bền vững của cơ chế tài chính đối với Bào hiểm xã hội “ Tính bền vững của hệ thống lương hưu trong Asean”.
Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐTBXH phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế, Ban thư ký ASEAN, đại diện các cơ quan  trong khu vực và đầu mối Nhóm công tác SLOM – WG…

Phát biểu tại Hội thảo, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Mục tiêu của hội thảo là nhằm chia sẻ và thảo luận về lương hưu toàn cầu, thu thập và đánh giá thông tin liên quan tới tình hìn, thách thức và cơ hội đối với các hệ thống lương hưu quốc gia; đồng thời thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm đảm bảo tính bền vững trung và dài hạn của các hệ thống lương hưu trong ASEAN.

Theo bà Hà Thị Minh Đức cho biết, khu vực ASEAN với dân số hiện khoảng 650 triệu người, trong đó có hơn 59 triệu người cao tuổi, chiếm 9,3% tổng dân số khu vực. Theo dự báo, ASEAN sẽ trở thành khu vực dân số già vào năm 2050. Trong những năn vừa qua, các quốc gia thành viên ASEAN đã thể hiện sự cam kết và quan tâm đến an sinh xã hội, ứng phó với già hóa dân số thông qua việc xây dựng một số Tuyên bố như: Tuyên bố Kua – la Lum – pơ về Già hóa: “ Tăng cường quyền năng cho người cao tuổi trong ASEAN”, Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội (2013); Khuôn khổ và kế hoạch hành động khu vực về thực hiện Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội ( 2015).

Sự biến đối sang dân số già nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề phúc lợi, an sinh xã hội cho cả xã hội nói chung và cho người già nói riêng. Thực tế cho thấy sức khỏe và sức lao động của người cao tuổi đang bị suy giảm trong khi an sinh xã hội cũng như vấn đề lương hưu tuổi già cho nhóm dân số này vẫn chưa đảm bảo đúng mức. Phần lớn dân số ASEAN không có đủ trợ cấp lương hưu hay tiết kiệm khi về gia cho hiện tại và tương lai.

Trong vài thập kỷ qua, một số quốc gia tại Châu Á đã đưa ra những chế độ hưu trí tuổi già nhằm mục tiêu đảm bảo sinh kế cho người cao tuổi và cung cấp an ninh thu nhập cho một nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Việt Nam nói riêng cũng như đa số các nước ASEAN nói chung, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt liên quan đến nguồn lực và kinh nghiệm cũng như chiến lược để đưa ra một hệ thống lương hưu hiệu quả.

Khả năng tiếp cận lương hưu chỉ dành cho một số đối tượng và đang còn rất nhiều người già phải dựa vào sự hỗ trợ của gia đình. Ngoài ra, việc đảm bảo bền vững về mặt tài chính của hệ thống hưu trí cũng là một thách thức. Do vậy, chúng ta cần nhanh chóng có những chính sách phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội cũng như cần đưa ra các cơ chế quản lý nhằm chủ động đối phó với những thành thách thức của hệ thống hưu trí trong dài hạn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niện tại hội thảo

Trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của Nhóm công tác SLOM – WG giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam đã đề ra sáng kiến nghiên cứu về tính bền vững của các cơ chế bảo hiểm xã hội bao gồm lương hưu xã hội. Nội dung của nghiên cứu khá tương đồng với nghiên cứu do Tổ chức Lao động quốc tế ILO đang thực hiện mang tên “An ninh thu nhập cho người cao tuổi tại Châu Á – Thái Bình Dương: Tầm nhìn cho các khuynh hướng chính sách quan trọng, cơ hội và các thách thức”. Với sáng kiến này, Việt Nam hy vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam nói riêng cũng như các nước trong khu vực nói chung có thể tạo sự ổn định và duy trì  tính bền vững của các hệ thống bảo hiểm bao gồm: lương hưu xã hội cho người cao tuổi trước sức ép già hóa dân số nhanh chóng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe báo cáo tham luận và chia sẽ của đại diện Tổ chức ILO, Ban thư ký ASEAN và đại diện các nước như: Lào, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Campuchia, Philippines… về các giải pháp và tính bền vững cơ chế tài chính đối với bảo hiểm xã hội và tính bền vững của hệ thống lưu hưu trong ASEAN.

                                                                                                   Hoàng Cảnh