Thời sự
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Lao động – Thương binh, Xã hội và những vấn đề đặt ra
01:02 PM 06/12/2018
(LĐXH) – Sáng ngày 6/12/2018, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Lao động – Thương binh Xã hội chủ trì tổ chức tập huấn Bồi dưỡng về Hội nhập quốc tế, nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ và quản lý tài chính – tài sản nhà nước.
Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại hội nghị
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Trần Ngọc Túy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, TS. Bùi Tôn Hiến – Hiệu trưởng trường đào tạo cán bộ công chức; Hà Đình Bốn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Nguyễn Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; Nguyễn Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại, Bộ ngoại giao và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Theo TS. Bùi Tôn Hiến, sự biến động về kinh tế của các nước trên thế giới là thách thức không với Việt Nam 
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS Bùi Tôn Hiến, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ, công chức, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sự biến động về kinh tế của các nước trên thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột Mỹ - Trung làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng sẽ là thách thức không nhỏ khi Việt Nam tham gia vào “sân chơi” chung. Theo đó, các tiêu chuẩn mà Việt Nam vừa cam kết sẽ được thực hiện như thế nào, lộ trình sửa đổi pháp luật lao động và các văn bản dưới luật theo đúng các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được tiến hành ra sao… sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại - Bộ ngoại giao, nhấn mạnh về tình hình thế giới và khu vực. Theo ông, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, đặc biệt là mối quan hệ giữa Mỹ - Trung đã gây ra hệ quả rõ rệt của xu hướng cạnh tranh giữa các nước, làm thay đổi về tương quan so sánh lực lượng cũng như sự khác biệt về quan điểm và tầm nhìn của các nước lớn đối với một trật tự khu vực và toàn cầu mới đang định hình…
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách đối ngoại - Bộ ngoại giao,
nhấn mạnh về tình hình thế giới và khu vực
Bên cạnh đó, Biển Đông hiện trở thành một trong những khu vực tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự, thậm chí chiến tranh, tác động tiêu cực đến ổn định, hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới nếu không có hướng xử lý thích hợp. Việc gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực cũng khiến tranh chấp và tình hình ở khu vực này thêm phức tạp, khó lường.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, nền kinh tế thế giới dự báo tiếp tục tăng trưởng tương đối tích cực từ nay đến năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục tranh thủ nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, duy trì tăng trưởng hợp lý. Trong đó, cuộc CMCN 4.0 đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiến thẳng vào các lĩnh vực công nghệ mới, đẩy mạnh hơn nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến 2030 (SDGs), sáng tạo và bao trùm, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế số… Trong đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để có thể hiện thực hóa những cơ hội to lớn này.
Trong bối cảnh đó, mạng lưới đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam là những đối tác quan trọng với lợi ích về kinh tế, anh ninh, phát huy vị thế của Việt Nam. Theo đó, nước ta hiện chiếm 8/10 thị trường xuất khẩu chính với 60,7% tổng giá trị xuất khẩu; 9/10 thị trường nhập khẩu chính với 74,7% tổng giá trị nhập khẩu; 76,7% tổng lượng du khách; đóng góp 74% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Trong công tác đối ngoại đa phương, Việt Nam luôn  đóng vai trò quan trọng  và có nhiều đóng góp tích cực vào việc triển khai tầm nhìn ASEAN 2025; tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017; Thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng và sự tham gia trong Ủy hội Sông Mekong quốc tế (MRC), ACMECS; Tổ chức thành công WEF ASEAN 2018; Tăng cường tham gia và đóng góp vào các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực cũng như quản trị khu vực, quản trị toàn cầu như ASEM, ADB, AIIB, Vành đai – Con đường, WTO, G20, G7…
Các đại biểu tham dự hội nghị
Đặc biệt, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đưa các mối quan hệ với các nước ngày một đi vào chiều sâu; tăng cường tin cậy chính trị và đan xen lợi ích, củng cố các cơ chế hợp tác cũng như duy trì đối tác chiến lược với các nền kinh tế quan trọng như: Nga, Nhật Bản, Ấn Độ Australia, Hàn Quốc và một số nước EU như Pháp, Anh…
Tuy nhiên, những chuyển biến mạnh mẽ của tình hình thế giới cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ. Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; việc thực hiện có hiệu quả EVFTA thế hệ mới; xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ, có khả năng thích nghi và điều chỉnh linh hoạt trước những biến động kinh tế của thế giới và khu vực; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh…
Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,  hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với 10 nội dung trong chính sách Bộ Luật Lao động (sửa đổi) là việc tiếp thu, nội luật hóa các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm của thể chế chính trị Việt Nam, phục vụ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.
Cuộc CMCN 4.0 và hành trình “cá nhanh nuốt cá chậm”, phát triển về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; việc đổi mới các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới… đang cần một đường lối ngoại giao kiên định, góp phần xây dựng một trật tự quốc tế, khu vực hòa bình ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và đang ứng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.
 Nam Khánh