Xã hội
Hội nghị thực hiện Đề án 161 và các hoạt động của Cộng đồng Văn Hóa – Xã hội ASEAN khu vực phía Nam.
03:42 PM 01/06/2019
(LĐXH) - Sáng ngày 31/5/2019, tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị thực hiện Đề án 161 và các hoạt động của Cộng đồng Văn Hóa – Xã hội ASEAN khu vực phía Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc hội nghị

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Trưởng SOCA (Bộ LĐ-TB&XH); Đại sứ Phạm Quang Vinh – Nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao; Ngài Vongthep Arthkai Valvatee – Nguyên phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng Văn hóa – Xã hội; đại diện Bộ Nội Vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan đến đến từ các tỉnh khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: “Ngày 25/1/2016, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025”. Theo đó, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2019. Có 9/10 Bộ, ngành phụ trách 15 lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN tại Việt Nam và có 59/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 và sau khi đánh giá sẽ xây dựng kế hoạch cho giai đoạn đến năm 2025.

Sau hơn 3 năm triển khai, kết quả đánh giá sơ kết thực hiện Đề án 161 cho thấy sự chủ động và cam kết của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trên nhiều phương diện. Đề án đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Tuy nhiên, đánh giá cũng cho thấy vẫn còn có một số khoảng trống như vấn đề truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cá cán bộ, nhân dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng; sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đúng mức; kế hoạch triển khai Đề án từ Trung ương đến địa phương bị chậm so với dự kiến; cơ chế phối hợp thực hiện còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành; còn thiếu hoặc có rất ít nguồn lực riêng biệt đảm bảo cho việc thực hiện Đề án.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội nghị

Thứ trưởng hy vọng rằng tại Hội nghị này, chúng ta sẽ tiếp tục có thêm những ý kiến chia sẻ quý báu từ Ngài Vongthep Arthkai Valvatee và Đại sứ Phạm Quang Vinh. Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH còn mong muốn thông qua hội nghị này, góp phần nâng cao nhận thức về cộng đồng ASEAN nói chung và cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng cho các đơn vị lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, kết nối hơn nữa sự tham gia của các Bộ ngành, địa phương vào quá trình hội nhập ASEAN của Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng hy vọng hội nghị diễn ra thực sự bổ ích và sôi nổi, để làm tiền đề cho sự phối hợp tốt hơn nữa trong việc thực hiện Đề án 161 cũng như trong hợp tác ASEAN và triển khai tại các địa phương, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.”

Cũng tại hội nghị, một số vấn đề liên quan tới ASEAN trong quá trình hội nhập;Báo cáo đánh giá sơ kết việc thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 và Kế hoạch thực hiện Đề án 161 năm 2019 và định hướng 2020 đã được các diễn giả và Vụ hợp tác Quốc tế trình bày tới các đại biểu tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, hoạt động Bảo vệ và thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng ASEAN cũng được các diễn giả và đại biểu đặc biệt nhấn manh tới hội nghị lần này.  Vấn đề bạo lực học đường (BLHĐ); Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý giám sát trong ngành giáo dục; Nguyên nhân bạo lực học đường là những ý kiến thảo luận đến từ các đại biểu.

Theo bà Tô Thị Kim Hoa - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, vấn đề BLHĐ cho rằng: “Ngày càng nhiều và phức tạp, gây ra nhiều vấn nạn xã hội nếu không có các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhà trường nên cộng tác với Hội Luật sư và các tổ chức thiện nguyện trong công tác thúc đẩy bảo vệ quyền trẻ em; tổ chức tái hiện các phiên tòa xử mô hình trong các trường học cho các em học sinh xem. Tăng cường nói chuyện chuyên đề về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trường học đến các trường học; Phát hành các sổ tay bảo vệ quyền trẻ em, dạy kỹ năng sống cho trẻ em (ví dụ kỹ năng ứng phó với những kẻ biến thái, kẻ xấu, bạo lực);Hoạt động bảo vệ trẻ em trước tòa, giúp đưa ra ánh sáng nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực trong cuộc sống.”

Còn theo bà, Rana Flower - Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: “Để chấm dứt BLHĐ, cần đảm bảo tính nhất quán trong các chính sách cũng như các cách thức đối với trẻ em. Cần phải tập trung vào việc tăng cường nhận thức và năng lực cho phụ huynh, học sinh, nhà trường. Cần phải phát triển các kỹ năng cho chính các em học sinh. Vấn đề đầu tiên hiện nay là cha mẹ hãy bỏ điện thoại xuống chuyện trò, tâm sự cùng con một cách thân mật và ấm áp nhất.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ: “Qua hội nghị lần này, tôi thấy có rất nhiều cái mới, các đại biểu đã tham luận các vấn đề liên quan từ trong nước ra cả ngoài nước. Vai trò của gia đình và các cấp chính quyền rất quan trọng, toàn dân làm giáo dục thì BLHĐ mới có thể giảm đến mức tối đa, để tính nhân văn, yêu thương, giúp đỡ bạn bè được phát huy mạnh mẽ trong học đường và xã hội. Tôi mong muốn các sở, ngành phối hợp với nhau thực hiện tốt đề án 161 và các vấn đề xã hội bức xúc. Các Sở LĐ- TB&XH các tỉnh phải có chức năng, phải chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện tốt Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ, cùng nhau bảo vệ trẻ em, không để xảy ra bạo lực học đường".

Lê Việt