Xã hội
Hội nghị chuyên đề về chính sách bảo trợ xã hội năm 2016
02:55 PM 02/12/2016
(LĐXH) Trong 2 ngày 2-3/12/2016, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Bộ Lao động– TBXH đã phối hợp với tổ chức UNICEF tổ chức Hội nghị Chuyên đề về Chính sách bảo trợ xã hội năm 2016 nhằm đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại của công tác bảo trợ xã hội giai đoạn vừa qua và đặc biệt là năm 2016, đồng thời đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh vai trò cũng như sự cần thiết phải đổi mới chính sách ASXH
Tham dự Hội nghị có ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Trần Ngọc Diễn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, tổ chức quốc tế; lãnh đạo Sở Lao động-TBXH các tỉnh, thành phố, phòng Bảo trợ xã hội và một số Trung tâm CTXH, Cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc, Cơ sở đào tạo CTXH trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động –TBXH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh vai trò của chính sách an sinh xã hội cũng như sự cần thiết phải đổi mới chính sách ASXH theo kịp sự phát triển kinh tế xã hội, trong đó có đổi mới chính sách bảo trợ xã hội. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Cục Bảo trợ xã hội, các địa phương cần phải rút ra bài học kinh nghiệm, nhìn lại những hạn chế, yếu kém, giúp Bộ, Chính phủ tìm giải pháp thực hiện tốt hơn, nhìn nhận trên các khía cạnh chính sách trợ giúp thường xuyên và chính sách trợ giúp đột xuất để diện bao phủ đến được đối tượng nhiều hơn, kịp thời hơn. Trong việc giải quyết chính sách cần chú trọng không bỏ sót đối tượng. Về chính sách đối với NKT, hiện nay, mới giải quyết được chính sách đối với NKT nặng và đặc biệt nặng, đối với NCT cần xem xét việc có hạ được tuổi của đối tượng xuống để được hưởng trợ cấp hay không, cần phải ưu tiên nhóm đối tượng nào khi chưa sửa được Luật Người cao tuổi. Về chính sách trợ giúp đột xuất, đến nay, đã hỗ trợ 55 nghìn tấn gạo, riêng 4 tỉnh miền Trung là 13 nghìn tấn, Bộ cũng đã có văn bản gửi các địa phương về hỗ trợ gạo dịp tết Nguyên đán.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội nghị
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, trong thời gian tới, lĩnh vực BTXH cần chú trọng tới vấn đề đào tạo, sử dụng đội ngũ nhân viên CTXH sao cho phù hợp với tình hình thực tế; tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành khung giá dịch vụ CTXH để không chỉ Nhà nước lập ra cơ sở BTXH mà còn khuyến khích các cá nhân cùng tham gia để có nhiều doanh thu, cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân; thay đổi quan điểm nhận thức về nơi làm việc của sinh viên CTXH sau khi ra trường. Xây dựng hệ thống ASXH minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm cho người dân.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, qua giám sát, đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lĩnh vực BTXH đã có nhiều tiến bộ, chú trọng hoàn thành các văn bản luật, các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền đã ban hành văn bản pháp luật có sức mạnh pháp lý; nhìn từ góc độ đại biểu dân cử, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Lao động –TBXH từ cấp trung ương đến địa phương, trách nhiệm, sự vào cuộc của cấp ủy địa phương; độ bao phủ chính sách ngày càng đến được nhiều với người dân, huy động được nhiều nguồn lực trong nước và các tổ chức quốc tế; phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Thương người như thể thương thân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chính sách BTXH chưa đến được với đối tượng như chính sách trợ cấp đối với người cao tuổi; công tác quản lý Nhà nước cần phải bổ sung một số chính sách; hệ thống cơ sở BTXH chưa đáp ứng được nhu cầu đối tượng. Thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ phối hợp thực hiện tốt hơn chính sách BTXH, hướng tới xây dựng Luật CTXH.
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đánh giá công tác BTXH thời gian qua
Đánh giá về công tác BTXH thời gian qua, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cho công tác an sinh xã hội, đặc biệt là việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, đến nay đã có trên 10 Bộ luật, luật; 7 Pháp lệnh và hơn 30 Nghị định, quyết định của Chính phủ; hơn 40 Thông tư, thông tư liên tịch và nhiều văn bản chỉ đạo khác trực tiếp hoặc có nội dung quy định khung pháp lý, chính sách là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện chính sách TGXH. Riêng trong năm 2016, Bộ Lao động-TBXH được Chính phủ giao xây dựng 9 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 02 Nghị định, 5 Quyết định; 01 Thông tư liên tịch và 02 Thông tư của Bộ. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 quyết định; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 01 Thông tư liên tịch, 01 Thông tư của Bộ. Hiện nay, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ 02 Quyết định phê duyệt Đề án; đang hoàn thiện 02 Thông tư của Bộ. Công tác xây dựng, ban hành văn bản trong lĩnh vực BTXH đã đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của Bộ, phù hợp với tình hình mới, tác động tích cực đến tình hình kinh tế xã hội và công tác  quản lý Nhà nước của Bộ.
Đại diện Unicef phát biểu ý kiến
Đồng thời, Bộ Lao động – TBXH đã ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đồng bộ các chính sách TGXH cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, về TGXH đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, tính đến ngày 30/11/2016, Chính phủ đã hỗ trợ gạo cứu đói cho 25 tỉnh, với gần 3 triệu lượt người được hỗ trợ, tổng số hơn 55 nghìn tấn gạo, trong đó cứu đói Tết 1,14 triệu người, cứu đói giáp hạt 1,13 triệu người; cứu đói do hạn hán 338.074 người; cứu đói do xâm nhập mặn 14.142 người; cứu đói do hải sản chết 348.262 người; cứu đói do mưa lũ lụt 500 tấn gạo cho tỉnh Quảng Bình. Hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói do mưa lũ năm 2016 cho tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và đang chờ quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Về TGXH thường xuyên, đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện mức trợ cấp cho đối tượng bằng hoặc cao hơn mức quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Thông liên tịch số 29, bảo đảm đời sống cho gần 2,7 triệu đối tượng BTXH, với kinh phí chi trả gần 15.000 tỷ đồng/năm.
Các đại biểu trao đổi ý kiến bên lề hội nghị
Bên cạnh đó, các địa phương đã thực hiện đồng bộ chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật. Các chế độ BTXH cho đối tượng tại cộng đồng và tại các Trung tâm BTXH được thực hiện đúng theo quy định. Cả nước hiện có 1,58 triệu NCT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10.000 NCT được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở BTXH. Thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, các địa phương trong cả nước, tổ chức của NKT đã chủ động phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… Thực hiện Đề án 32, Bộ đã chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng, trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chức danh, mã số tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức CTXH, tiêu chuẩn chăm sóc trợ giúp đối tượng tại các cơ sở CTXH; tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giang viên dạy nghề CTXH khóa V tại 3 miền; tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý CTXH cấp cao cho đội ngũ cán bộ của các Sở Lao động – TBXH, Trung tâm BTXH, Trung tâm CTXH… Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở TGXH; đẩy mạnh hoạt động TGXH và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.
Ông Đặc Hữu Bình - Giám đốc Trung tâm CTXH Quảng Ninh phát biểu tham luận
Trong năm 2017, Bộ Lao động –TBXH sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách trợ cấp xã hội theo hướng mở rộng đối tượng hưởng, trong đó giai đoạn 2016-2020, trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết chính sách trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp của Nhà nước ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; Tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện chính sách TGXH đối với các đối tượng BTXH quy định tại Nghị định 136; Thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp đối với NCT, NKT, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt quy định tại các luật liên quan; triển khai đổi mới công tác TGXH thường xuyên và đột xuất; Phát triển nghề CTXH thành một nghề chuyên nghiệp thông qua việc xây dựng Luật CTXH…
Các đại biểu tham dự hội nghị

Hồng Phượng