Thời sự
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018
04:25 PM 19/07/2018
(LĐXH) – Ngày 19/7/2018, tại TP. Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi sức khỏe các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Thuận Hữu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên Tập Báo Nhân dân; Đào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đào Thúy Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên BCH Trung ương Đảnng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công An; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên BCH Trung ương, Bí thư tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Nguyễn Văn Trình, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng đại diện Sở Lao động – TBXH 63 tỉnh, thành phố  và 355 đại biểu người có công tiêu biểu trong cả nước...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Hội nghị năm nay được tổ chức vào dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang hăng hái thi đua hoàn thành thắng lới Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/07/1947-27/07/2018) và có ý nghĩa chính trị - xã hội lớn lao, tiếp tục khẳng định thành quả cách mạng to lớn của Đảng, của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, xây dựng bảo vệ Tổ quốc với biết bao sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp các thế hệ cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng là dịp Đảng, Nhà nước trân trọng, tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu là người có công có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, cho sự phát triển của đất nước, quê hương. Đây là sự kiện quan trọng của đất nước, biểu thị trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, toàn thể đồng chí, đồng bào trong và ngoài nước đối với anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị

"Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, với ý chí anh dũng kiên cường bất khuất và lòng thuỷ chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Có thể nói rằng, trên thế giới này hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, một dân tộc trong mấy ngàn năm lịch sử đã có hơn 1.000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm để giữ gìn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng mồ hôi công sức và cả máu xương của mình. Phát huy truyền thống quý báu đó, gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh với ý chí sắt đá “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, ngoan cường, bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Máu đào của các anh đã đổ, biết bao người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường, những vết thương còn giằng xé cơ thể cho đến tận ngày hôm nay; biết bao người mẹ đã mãi mãi không được gặp lại những người con yêu dấu của mình, nén đau thương để một lòng hướng về tiền tuyến, tạo lên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trước những đế quốc hùng mạnh trên thế giới. Năm tháng sẽ qua đi, những chiến thắng vang lừng khắp năm châu như "Chiến thắng Điện Biên Phủ", "Chiến thắng Mùa xuân 1975" sẽ mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta, là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng; ghi đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh..." Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn ngày 27/7 là ngày “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Người căn dặn: “Ngày 27/7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”. Thực hiện chỉ thị của Người, 71 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người, gia đình có công với cách mạng. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người (trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,… với ngân sách nhà nước hàng năm trên 30.000 tỷ đồng; hàng năm Chủ tich nước cũng dành gần 1000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.

Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2013-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 63.523 sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của thế hệ con cháu chúng ta phải nỗ lực thực hiện, đó chính là việc rà soát, xác nhận đối với người có công thực sự đến nay chưa vẫn chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, toàn ngành lao động - thương binh và xã hội đã tập trung, quyết liệt phối hợp với các địa phương chú trọng triển khai công tác này. Đây là việc làm tuy rất khó khăn, phức tạp do qua các thời kỳ kháng chiến, hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp cơ quan quản lý người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến cũng không giữ được giấy tờ gốc và không còn bất kì loại giấy tờ nào ghi nhận sự việc hy sinh, bị thương trong kháng chiến... nhưng với ý chí quyết tâm của toàn ngành, công tác giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem xét , giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công tồn đọng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) trên toàn quốc, đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900 liệt sĩ, đồng thời tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, trong số liệt sĩ được công nhận có những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm nhưng do không còn thân nhân cùng nhiều yếu tố khác, đến nay mới được công nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận trên 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đối với những hồ sơ không đủ điều kiện, kết luận và giải thích thấu đáo đối với đối tượng.

Có thể nói, những kết quả đó mang đậm tính nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc đồng thời đánh dấu những nỗ lực của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này.

Giao lưu các điển hình tiên tiến
Được biết, về dự Hội nghị chúng ta ngày hôm nay có các đồng chí là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ kháng chiến, họ là những người chiến sĩ tiêu biểu với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là những tấm gương sáng ngời trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần không nhỏ trong những chiến thắng hào hùng của dân tộc ta, các đồng chí đã mang đến Hội nghị chúng ta niềm cảm phục vô bờ về những thành tích chiến đấu của mình, dành cho chúng ta - thế hệ tiếp nối những lời nhắn nhủ, phải tiếp tục phấn đấu gìn giữ và phát huy truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" của những người anh hùng nơi tiền tuyến.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu

Tiếp đó, còn có các thân nhân là những người vợ, người con của các anh hùng liệt sĩ, có trường hợp vừa mất đi người cha, vừa mất đi người chồng nơi chiến tuyến. Họ là những người vợ, người con đã mạnh mẽ, kiên cường vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, vượt qua bao trắc trở để bước tới tương lai hạnh phúc. Những người vợ, người con chưa bao giờ có đủ thời gian hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng, người cha của mình; chỉ với những phút giây ngắn ngủi bên nhau rồi tiễn chồng, tiễn cha lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, để rồi mãi mãi lìa xa.

Nhưng với sự đồng cảm, đùm bọc của gia đình, làng xóm và quần chúng nhân dân, họ vẫn “Biến đau thương thành hành động”, ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, để phấn đấu trong học tập, lao động, dựng xây đất nước cho quên đi nỗi đau thương, mất mát, nhiều người con của họ đã trưởng thành, tiếp bước truyền thống quân ngũ để trở thành những sĩ quan quân đội gương mẫu, tận tụy, những nhà giáo ưu tú, những thày thuốc giỏi, những doanh nhân tiêu biểu.                                                                                 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang  thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc. Bằng cả tấm lòng trân trọng, biết ơn, với niềm phấn khởi, tự hào, chúng ta nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của 355 đại biểu tiêu biểu đại diện cho trên 9 triệu người có công với cách mạng tham dự Hội nghị của chúng ta hôm nay.Trong suốt 71 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội ta. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. Đời sống của người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện; nhiều đồng chí đã có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang ở chiến trường, các đồng chí thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, trong đó có những thương binh nặng, trở về với cuộc sống đời thường, đã phát huy phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, ra sức khắc phục khó khăn, gương mẫu đi đầu trong công tác, chiến đấu, lao động, học tập, tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhiều đồng chí năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, làm ra của cải cho gia đình và xã hội, đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, gia đình chính sách còn gặp khó khăn. Đặc biệt, có những đồng chí cựu chiến binh anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, nay nêu gương sáng trong trận chiến chống đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trao hoa và bằng khen cho các cá nhân và tập thể có nhiều thành tích trong công tác đền ơn đáp nghĩa

Tiếp đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đánh giá cao và ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ, địa phương đó là: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo Nhân Dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp tổ chức Hội nghị quan trọng và ý nghĩa này; các cơ quan báo chí đã tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng cũng như về những tấm gương người có công với cách mạng tiêu biểu trong các chương trình, chuyên mục như “Đi tìm đồng đội”, “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam; “Giải đáp chính sách”, “Thông tin liệt sĩ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng; “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thông tin về mộ liệt sĩ” của Báo Quân đội Nhân dân và nhiều chuyên mục về người có công với cách mạng trên các phương tiện truyền thông khác. "...Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào chăm sóc người có công với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa tiếp tục được duy trì, phát huy, có ý nghĩa chính trí - xã hội và nhân văn sâu sắc..." Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng giao lưu và chia sẻ với các đại biểu về dự hội nghị

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo: "Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; trọng tâm là thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”. Nhận thức sâu sắc việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước. Tập trung chăm lo các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất. Hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; chú trọng tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ..."

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ ngành dâng hương lên Đền thờ liệt sĩ thành phố Vũng Tàu

Tại hội nghị các đại biểu còn được giao lưu với một số đại biểu người có công tiêu biểu vượt khó làm giàu, có nhiều đóng góp trong việc đi tìm đồng đội;  Chiến sĩ cách mạng bị tù đày bắt, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh phòng chống tội phạm..

Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và lãnh đạo Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, Báo Nhân dân đã trao tặng Bằng khen cho 69 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thuộc 63 tỉnh, thành phố và 3 bộ, ngành Trung ương... do có thành tích xuất sắc trong công tác này./.

Hoàng Cảnh