Lao động
Hội LHPN thành phố Huế với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả
03:20 PM 12/08/2018
(LĐXH) – (XB12/8) Trong thời gian qua, Hội LHPN thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ.
Ngay từ đầu năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã tiến hành rà soát, thống kê các mô hình khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; đồng thời xây dựng các mô hình liên kết giới thiệu sản phẩm của cán bộ, hội viên phụ nữ cũng như mô hình đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ.
Mô hình đầu tiên được triển khai là mô hình "Liên kết giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bánh truyền thống của phụ nữ Huế" do Hội LHPN Thành phố Huế phối hợp với Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt tại địa chỉ số 03 đường Hà Nội, thành phố Huế, từng bước xây dựng địa chỉ tin cậy về chuỗi sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ an toàn. Hiện nay tại cửa hàng có hơn 100 mặt hàng gồm rau, củ, quả, các loại nước uống và các loại bánh truyền thống Huế, một số sản phẩm của hội viên hai phường Kim Long và Hương Sơ...Trong thời gian đến, Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt sẽ hỗ trợ tập huấn và kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố phù hợp với đặc thù của địa phương. Ngoài ra, đơn vị cũng tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận thực hiện các hoạt động giới thiệu sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn tại gian trưng bày cung cấp sản phẩm trên hệ thống cửa hàng của công ty. Hiệu quả hoạt động trong thời gian qua đã khẳng định đây là hướng đi đúng, phù hợp và đang được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo nhân rộng.
Cùng với mô hình liên kết giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm truyền thống của phụ nữ Huế, Hội LHPN phường Phú Hậu đã thành lập và ra mắt mô hình: “Tổ liên kết đào tạo nghề và sản xuất hàng may mặc”. Mục đích của mô hình là vừa đào tạo nghề, vừa tạo việc làm tại chỗ và hướng tới thu nhập ổn định cho chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn phường Phú Hậu. Từ ngày thành lập đến nay, đã đào tạo nghề cho 15 chị cán bộ, hội viên và con của cán bộ hội chưa có nghề và việc làm. Tuy nhiên, hiện nay mô hình còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, trang thiết bị, máy móc, địa điểm chưa ổn định. Để mô hình ngày càng phát triển, đạt được mục tiêu đề ra, Hội LHPN phường Phú Hậu rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời về kinh phí của lãnh đạo các cấp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ có hoàn khó khăn.
Mô hình “Tổ liên kết Hương Trầm Thủy Xuân” được thành lập gồm 10 thành viên tham gia là hội viên phụ nữ tại tổ 13 khu vực 5 phường Thủy Xuân. Từ ngày ra mắt mô hình đến nay, thương hiệu Hương trầm Thủy Xuân ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra tăng từ 10 - 15%, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra một số tỉnh lân cận... Để mô hình “Tổ liên kết sản xuất Hương Trầm Thủy Xuân” ngày càng phát triển và có thương hiệu, Hội LHPN Phường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em trong tổ nâng cao hơn nữa trình độ tay nghề, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, chú trọng phát huy lợi thế ngành nghề; năng động, chủ động trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và nhân rộng mô hình liên kết để thu hút ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Cùng với chính quyền địa phương làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn phường.
Với mô hình “Tổ liên kết đúc bờ lô” thuộc Hội LHPN Phường An Tây vừa mới ra mắt vào ngày 06/7/2018 gồm 15 thành viên tham gia. Đây là mô hình với công việc hết sức nặng nhọc nhưng chị em phụ nữ đã biết vượt qua để góp phần phát triển kinh tế gia đình. Khi có chủ trương thành lập mô hình các chị em hết sức vui mừng và phấn khởi vì được sự quan tâm của tổ chức Hội các cấp, đồng thời qua đó giúp chị em có nơi sinh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Theo  Ban chủ nhiệm mô hình, sản phẩm làm ra mỗi ngày từ 12.000 - 15.000 viên, với mức thu nhập bình quân là 10 - 12 triệu đồng/tháng/người. Có thể nói đây là mô hình làm ăn rất hiệu quả, sản phẩm làm ra đạt chất lượng, giá cả phải chăng…cung ứng rộng rãi trên địa bàn Thành phố và cả một số Huyện lân cận, được đông đảo người dân tin dùng. Sắp đến mô hình sẽ kết nạp thêm một số thành viên mới, giúp đỡ thêm nhiều chị em có việc làm ổn định cuộc sống. Với chất lượng sản phẩm làm ra như hiện nay, hy vọng mô hình sẽ ngày càng phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ không những trong tỉnh mà còn vươn xa hơn nữa.
Hội LHPN phường Phú Cát chủ trì tổ chức khu ẩm thực và mua sắm tại vườn hoa Diệu Đế với 16 gian hàng. Mục đích nhằm tạo ra một điểm đến về ẩm thực Huế cho du khách gần xa, đặc biệt nhân dịp festival Huế năm 2018, góp phần thực hiện thành công chủ đề năm 2018 của Thành phố, giúp chị em phụ nữ cũng như bà con trên địa bàn phường có nơi kinh doanh ổn định, phát triển kinh tế và đặt biệt ngăn chặn triệt để tệ nạn xã hội tại khu vực này.
Bên cạnh các mô hình liên kết, nhiều hộ kinh doanh cá thể do chị em hội viên phụ nữ làm chủ đã và đang có chiều hướng phát triển, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Điển hình như chị Huỳnh Thị Phương Ngọc - Chi hội 19 - Phường Trường An. Từ một hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên làm ăn, kinh doanh phát đạt thông qua việc mua bán các mặt hàng sành sứ gia dụng. Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho 08 lao động với mức lương từ 2,5-3 triệu đồng/tháng; Chị Phạm Thị Bảo Trâm - hội viên chi hội 7 - Hội LHPN Phường Phú Thuận, thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nuôi chồng bệnh tật và hai con đi học. Chị đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH dành cho đối tượng hộ nghèo, mở cơ sở kinh doanh bằng nghề in lụa, in bao bì, thiệp…Hiện nay mô hình hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho 5 lao động là nữ, mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Gia đình chị đã thoát nghèo bền vững, xây dựng nhà kiên cố 2 tầng, nuôi con giỏi, dạy con ngoan, học giỏi (đạt giải Vàng kỳ thi quốc gia toán qua Internet năm học 2016-2017, giải nhì toán cấp Tỉnh; giải nhất môn máy tính cầm tay TP, học tại trường THPT chuyên Quốc Học Huế); Chị Trần Thị Xuân - Hiện trú tại tổ Nhì Đông  - Phường An Đông, thuộc hộ cận nghèo, được Ban Thường vụ Hội LHPN Phường An Đông cho mượn vốn từ nguồn quỹ tiết kiệm vì phụ  nữ nghèo với số tiền 2 triệu đồng và vay vốn hộ mới thoát nghèo của NHCSXH, chị đã đầu tư mua máy xe hương và mua dụng cụ về làm giá sạch. Bước đầu chỉ bán nhỏ lẻ trong địa phương và những người quen. Đến nay mô hình sản xuất hương trầm và làm giá sạch của chị được nhiều khách hàng biết đến, cơ sở sản xuất đã giải quyết việc làm cho 3 lao động nữ với thu nhập bình quân từ 3 -3,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay gia đình chị đã thoát cận nghèo bền vững vươn lên khá giả.
Có thể nói, việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Việc chủ động, ý thức vươn lên của phụ nữ với việc sử dụng có hiệu qủa các nguồn vốn hỗ trợ đã giúp nhiều hội viên có điều kiện vượt khó vươn lên thoát nghèo. Tuy vậy, vẫn còn không ít những rào cản khiến nhiều phụ nữ gặp khó trên con đường khởi nghiệp như do hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ít thông tin về thị trường, do điều kiện thực tế của địa phương. Các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thường gắn với buôn bán nhỏ, ít có ý tưởng sản xuất, kinh doanh hàng hóa quy mô lớn nên khó tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, nhất là về vốn đầu tư.
Để ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ được hiện thực hóa, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, rất cần sự vào cuộc của các cấp các ngành, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ về vốn, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ được học tập, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho phụ nữ về tinh thần sáng tạo, hiện thực ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương, chung tay xây dựng đô thị văn minh.

Thúy Ngân