Pháp luật
Hỏi - Đáp về vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp
10:19 AM 19/11/2019
(LĐXH)-Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản về các quy định của Nhà nước về vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc của độc giả liên quan đến lĩnh vực này.
Hỏi: Thực tế cho thấy, gần như 100% các cuộc đình công, biểu tình trong doanh nghiệp là tự phát, trái với quy định pháp luật, dẫn đến khó kiểm soát, dễ gây phức tạp về an ninh trật tự.
Vậy ai, tổ chức nào là người tổ chức và lãnh đạo đình công?
Nguyễn Ngọc Mạnh (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Hà Nội)
Trả lời: 
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, quan hệ lao động được xác lập giữa các chủ thể là người lao động, tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động thông qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
Trường hợp phát sinh tranh chấp lao động thì việc giải quyết tranh chấp phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Lao động, trước hết phải đảm bảo nguyên tắc hai bên tự thương lượng trực tiếp, tự quyết định, giải quyết hài hòa lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
Đình công là biện pháp cuối cùng do công đoàn lãnh đạo để gây sức ép đối với người sử dụng lao động để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động. Những quy định này trong Bộ luật Lao động năm 2012 cũng phù hợp với các Công ước, Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Hiện nay, việc tổ chức, hoạt động của công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn cơ sở được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy vai trò đại diện của tổ chức công đoàn cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò, vị trí; thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở.
Từ thực tiễn nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, công đoàn cần phải đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 5/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đã chỉ rõ “đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Chúng tôi cũng cung cấp thêm thông tin để bạn nắm được:
Theo Bộ luật Lao động 2011, Điều 20 về “Tổ chức và lãnh đạo đình công” nêu rõ:
1. Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.
2. Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.
Cũng theo Luật, trước khi tổ chức đình công, tổ chức công đoàn phải lấy ý kiến tập thể lao động, ra quyết định đình công, sau đó mới tiến hành đình công.
Điều 213 “Thông báo thời điểm bắt đầu đình công” quy định:
1. Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.
2. Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:
a) Kết quả lấy ý kiến đình công;
b) Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
c) Phạm vi tiến hành đình công;
d) Yêu cầu của tập thể lao động; 
đ) Họ tên của người đại diện cho Ban chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.
3. Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh.
4. Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.

Điều 214. Quyền của các bên trước và trong quá trình đình công

1. Tiếp tục thỏa thuận để giải quyết nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc cùng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp tỉnh tiến hành hoà giải.

2. Ban chấp hành công đoàn có quyền sau đây:

a) Rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công;

b) Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.

3. Người sử dụng lao động có quyền sau đây:

a) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho Ban chấp hành công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công;

b) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản;

c) Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.

Từ khóa: đình Công