Pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội
11:53 AM 30/11/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện về bảo hiểm xã hội, tiền lương cụ thể như sau:

Hỏi: Việc xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với người lao động của Công ty được tính như thế nào ?
 
Nguyễn Hồng Hạnh
(Thạch Thất, Hà Nội)
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động 2012 thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Trong đó, thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 34 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương, các quyền và nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian, quyền bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Căn cứ quy định nêu trên và nội dung phản ánh của Công ty thì việc xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động làm việc theo chế độ nửa ngày (4 tiếng/ngày) được tính như đối với người lao động làm việc trọn thời gian (8 tiếng/ngày).
Vì vậy, căn cứ vào thực tế làm việc cho công ty theo hợp đồng lao động để thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định.
 
Hỏi: Công ty của tôi quy định thời gian làm việc cụ thể cho từng bộ phận khác nhau, bộ phận sản xuất làm việc từ 20 giờ 30 đến 5 giờ 00 sáng hôm sau, trong đó nghỉ ngơi từ 23h00 đến 23h10 (không tính vào thời gian làm việc), từ 1 giờ 00 đến 2 giờ 00 (50 phút tính vào thời gian làm việc, 10 phút không tính vào thời gian làm việc), từ 4 giờ 00 đến 4 giờ 10 không tính vào thời gian làm việc. Vậy, Công ty quy định thời gian làm việc như vậy có đúng quy định không?
 
Mai Thị Thu Hằng
(Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trả lời: Về thời giờ làm việc bình thường theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày. Thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Do nội dung câu hỏi bà chưa có đầy đủ thông tin nên không có cơ sở để xác định về thời giờ làm việc bình thường của Công ty đã đúng theo quy định của pháp luật chưa.
Về thời giờ nghỉ ngơi khi làm việc ban đêm: Khoản 2, Điều 108 Bộ luật Lao động quy định trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút, tính vào giờ làm việc. Khoản 3, Điều 108 Bộ luật Lao động quy định ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 2, Điều 108 nêu trên người sử dụng lao động quy định thời điểm các đợt nghỉ ngắn và ghi vào nội quy lao động.
Căn cứ theo khoản 2 và khoản 3, Điều 3 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động thì thời gian nghỉ giải lao theo tính chất của công việc hoặc nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người thì phải tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương.
Để thuận lợi, đề nghị bà liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của địa phương để được hướng dẫn chi tiết và trợ giúp pháp lý.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội