Pháp luật
Hỏi - Đáp về Chính sách bảo hiểm thất nghiệp
10:20 AM 27/04/2020
(LĐXH)- Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định trong chính sách, trình tự thực hiện BHTN…
Câu 1. Tôi tham gia BHXH được 12 năm, cuối năm 2019, tôi chuyển sang một doanh nghiệp khác nên tôi thuộc đối tượng học việc 3 tháng, hưởng 75% lương, được tham gia đầy đủ mọi chế độ. Tháng 2 vừa qua tôi đủ thời gian hưởng 100% lương thì lại bị dịch bệnh nên công ty cho nghỉ luân phiên, hưởng mức lương tối thiểu và đến tháng 4, công ty chính thức thông báo cho tôi nghỉ việc kể từ tháng 5. Vậy không biết rằng tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không và cách tính như thế nào? Tôi nghe nói Nhà nước có gói hỗ trợ cho lao động nghỉ việc, vậy tôi có thuộc đối tượng này không?
Trả lời:
Bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm.
Mức hưởng và thời gian hưởng được tính theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm, cụ thể như sau:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Về nội dung gói hỗ trợ cho lao động nghỉ việc, được thực hiện theo Nghị quyết số 42/NQ-CP  của Chính phủ, Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cụ thể như sau:
Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
Ngoài ra:
Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) trong thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn”
Câu 2: Anh Kim Long (Bắc Ninh) hỏi: Anh trai tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động, định đi làm bảo hiểm thất nghiệp nhưng hiện tại đang ốm phải nằm viện, tôi có thể thay anh tôi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được không? Và nếu anh tôi phải nằm viện dài ngày, tôi có thể đi nhận trợ cấp thất nghiệp thay được không?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ nếu thuộc trường hợp ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn được ủy quyền cho người khác nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc trường hợp ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
Như vậy, nếu người lao động đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng ốm đau không thể trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm, có thể ủy quyền cho người khác mang đầy đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về trường hợp ốm đau, giấy ủy quyền đến Trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện các thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

PBHNT

Từ khóa: Hỏi đáp; BHTN