Pháp luật
Hỏi - Đáp về các quy định của pháp luật về xây dựng thỏa ước lao động tập thể, giải quyết đình công, tranh chấp lao động
10:00 AM 02/12/2019
(LĐXH) – Để giúp quý độc giả hiểu thêm các quy định của pháp luật về xây dựng thỏa ước lao động tập thể, giải quyết đình công, tranh chấp lao động, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc của độc giả liên quan đến lĩnh vực này.
Hỏi:
Thỏa ước lao động tập thể có phải là bắt buộc không hay chỉ là hình thức khuyến khích?
Nguyễn Thị Hà, Hoài Đức, Hà Nội
Trả lời:
Bộ luật Lao động năm 2012, tại điều 73 có quy định rất rõ đến quyền và trách nhiệm, quá trình để thiếp lập Thỏa ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động với đại diện của người lao động.
Trong trường hợp doanh nghiệp không ban hành được Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, nếu lỗi do người sử dụng lao động cố ý không ký Thỏa ước lao động tập thể với đại diện người lao động khi đó sẽ bị xử phạm vi phạm hành chính.
Như vậy trong Bộ Luật Lao động mặc dù không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải có Thỏa ước lao động tập thể nhưng trong Nghị định 95 quy định rất rõ trong trường hợp doanh nghiệp không có Thỏa ước lao động tập thể khi đó sẽ bị xử phạt vi phạm.
Đối với nội quy lao động, trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì bắt buộc phải có nội quy, trường hợp doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động thì mang tính túy nghi tức là theo quy định chung mà doanh nghiệp ban hành theo Quy chế hoặc căn cứ theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Hỏi:
Công ty X có trụ sở tại TP. HCM, khi thực hiện công trình tại Hà Nội đã thuê tôi một số lao động địa phương tại đây. Sau khi kết thúc công trình, tôi và anh em công nhân đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo công ty về việc đã quá 3 tháng nhưng vẫn chưa được thanh toán tiền lương. Vậy chúng tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Trần Duy Hưng
Xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất
Trả lời:
Điều 96 BLLĐ 2012 quy định về nguyên tắc trả lương: “NLĐ được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn, trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Công ty X thuê lao động nhưng không trả lương đúng hạn, nhiều lần NLĐ và một số người khác kiến nghị đến ban lãnh đạo thì công ty X vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thanh toán tiền lương. Như vậy công ty X đã vi phạm nguyên tắc trả lương theo quy định của pháp luật lao động. Để giải quyết vấn đề, những NLĐ trước hết phải làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động gửi đến hòa giải viên lao động (HGVLĐ) thuộc Phòng LĐTB&XH cấp huyện để được can thiệp hòa giải. Vì đây là tranh chấp lao động về tiền lương nên bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi đưa ra Tòa án (Điều 201 BLLĐ 2012). Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải, trong thời hạn 05 ngày làm việc, HGVLĐ phải kết thúc việc hòa giải.
Kết quả hòa giải sẽ rơi vào những trường hợp như sau: Trường hợp hòa giải thành, các bên nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ: vụ việc được giải quyết; Trường hợp hòa giải thành nhưng công ty vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc không hòa giải thành, không tiến hành hòa giải: vụ việc không được giải quyết và tranh chấp được giải quyết tại Tòa
Hỏi:
Khi có tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể thì tập thể lao động phải yêu cầu cơ quan nào giải quyết và giải quyết theo các bước như thế nào?
Lưu Trần Phương Thảo
Tổ 18 phường Láng Thượng, quận Đống Đa
Trả lời
Căn cứ pháp luật: Mục 3 Chương 3 BLLĐ 2012 và Bộ luật TTDS 2015
• Giải quyết TCLĐ tập thể về quyền bao gồm các bước: Thương lượng → yêu cầu HGVLĐ hòa giải → yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết → Yêu cầu TAND giải quyết.
• Giải quyết TCLĐ tập thể về lợi ích bao gồm các bước: Thương lượng → yêu cầu HGVLĐ hòa giải → yêu cầu HĐTTLĐ cấp tỉnh giải quyết → Đình công.
Bước thương lượng và yêu cầu HGVLĐ hòa giải thực hiện tương tự như với TCLĐ cá nhân. Biên bản hòa giải cần phải nêu rõ loại TCLĐ tập thể là TCLĐ tập thể về quyền hay TCLĐ tập thể về lợi ích. Quy định như vậy sẽ có căn cứ xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết TCLĐ tiếp theo. Sau khi kết thúc quá trình hòa giải, trong trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, hoặc trường hợp HGVLĐ không tổ chức hòa giải trong thời gian luật định thì:
Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền Tập thể lao động có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp (Điều 204, 205 BLLĐ 2012). Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết TCLĐ tập thể về quyền, Chủ tịch UBND cấp huyện phải tiến hành giải quyết TCLĐ. Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Trình tự, thủ tục giải quyết TCLĐ tập thể về quyền tại Tòa án được thực hiện tương tự như trình tự, thủ tục giải quyết TCLĐ cá nhân.
Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích Tập thể lao động có quyền yêu cầu HĐTT lao động giải quyết tranh chấp (Điều 204, 206 BLLĐ 2012). HĐTTLĐ (chỉ có ở cấp tỉnh) tiến hành thụ lý giải quyết tranh chấp khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết TCLĐ tập thể về lợi ích của các bên. HĐTTLĐ có trách nhiệm hỗ trợ các bên tự thương lượng. Trường hợp hai bên không thương lượng được, HĐTTLĐ đưa ra phương án để hai bên xem xét. Nếu các bên tranh chấp tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì HĐTTLĐ lập biên bản hòa giải thành đồng thời ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Nếu các bên tranh chấp không thỏa thuận được hoặc không chấp nhận phương án hòa giải thì HĐTTLĐ lập biên bản hòa giải không thành. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
Thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết, HĐTTLĐ phải kết thúc việc hòa giải. Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày HĐTTLĐ lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được hoặc sau 03 ngày kể từ thời điểm HĐTTLĐ lập biên bản hòa giải không thành, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục đình công./.