Pháp luật
Hỏi - Đáp về các quy định của pháp luật về giải quyết đình công, tranh chấp lao động
10:04 AM 18/11/2019
(LĐXH) – Để giúp quý độc giả hiểu thêm các quy định của pháp luật về xây dựng thỏa ước lao động tập thể, giải quyết đình công, tranh chấp lao động, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, giải đáp những thắc mắc của độc giả liên quan đến lĩnh vực này.
Hỏi:
Muốn tiến hành đình công thì tập thể lao động cần phải chuẩn bị những gì, và thực hiện theo các bước như thế nào?
Huỳnh Văn Cao
Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội
Trả lời:
Căn cứ pháp luật: Điều 211, Điều 212 và Điều 213 BLLĐ 2012Đình công phải do Ban chấp hành công đoàn (BCHCĐ) cơ sở tổ chức, lãnh đạo. Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của NLĐ.
Trình tự của cuộc đình công: Lấy ý kiến tập thể lao động –> Ra quyết định đình công –> Tiến hành đình công
Lấy ý kiến của tập thể lao động: Đối với tập thể lao động có tổ chức CĐCS thì lấy ý kiến của các thành viên BCHCĐ cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất. Nơi chưa có tổ chức CĐCS thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của NLĐ. Việc tổ chức lấy ý kiến có thể thực hiện bằng phiếu hoặc chữ ký. Nội dung lấy ý kiến bao gồm: Phương án của BCHCĐ về nội dung: Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công, phạm vi tiến hành đình công, yêu cầu của tập thể lao động; Ý kiến của NLĐ đồng ý hay không đồng ý đình công.Thời gian, hình thức lấy ý kiến để đình công do BCHCĐ quyết định và phải thông báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 01 ngày.
Ra quyết định đình công: Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của BCHCĐ đưa ra thì BCHCĐ ra quyết định đình công bằng văn bản.
Tiến hành đình công: Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, BCHCĐ gửi quyết định đình công cho NSDLĐ, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho CĐ cấp tỉnh.Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu NSDLĐ không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì BCHCĐ tổ chức và lãnh đạo đình công. Nếu cuộc đình công diễn ra không đúng trình tự, thủ tục thì Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm ra quyết định tuyên bố cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục và thông báo ngay cho Chủ tịch UBND huyện. Chủ tịch UBND huyện phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ các bên để nghe ý kiến và hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.Trên thực tế thì các cuộc đình công diễn ra với nhiều nguyên nhân phức tạp (cả quyền và lợi ích). Các yêu cầu của tập thể lao động rất cấp thiết nên thường không thực hiện đầy đủ các bước giải quyết TCLĐ tập thể về lợi ích và thủ tục đình công. Nhà nước cũng cần sửa đổi các quy định này cho phù hợp với thực tiễn quan hệ lao động.
Hỏi:
Công ty xây dựng bắt công nhân tăng ca vượt gấp 3 lần số thời gian luật định. Vào tháng cao điểm thời gian tăng ca thậm chí trên 100 giờ, có nhiều NLĐ bị ngất vì đuối sức. NLĐ bức xúc nhưng không dám nói, cũng không biết khiếu nại ở đâu?
Nguyễn Nhật Minh
Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội
Trả lời:
TCLĐ (Vụ án lao động) và yêu cầu về lao động (Việc lao động) được các bên đưa ra yêu cầu Tòa án giải quyết gọi chung là “vụ việc lao động”. Thủ tục giải quyết các vụ việc lao động (được gọi là thủ tục tố tụng lao động) là một bộ phận của thủ tục TTDS, được quy định trong Bộ luật TTDS 2015
Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi vi phạm đối với TCLĐ cá nhân và TCLĐ tập thể về quyền;
Tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm: (i) TCLĐ cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ (lưu ý các trường hợp phải thông qua thủ tục hòa giải của HGVLĐ tại khoản 1 Điều 32 của Bộ luật TTDS); (ii) TCLĐ tập thể về quyền giữa tập thể lao động với NSDLĐ (lưu ý phải thông qua quy trình giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND cấp huyện); và các tranh chấp khác liên quan đến lao động (khoản 3 Điều 32 và khoản 4 Điều 32 Bộ luật TTDS 2015).
Người khởi kiện có nghĩa vụ tự cung cấp chứng cứ và chứng minh. Tuy nhiên, NSDLĐ có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án trong những vụ án đơn phương chấm dứt HĐLĐ thuộc trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ (khoản 1 Điều 91 Bộ luật TTDS 2015);
Miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí cho NLĐ khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, BHXH, tiền bồi thường về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
Trường hợp nêu trên, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 điều 106 BLLĐ 2012: NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ tuy nhiên phải đáp ứng một số điều kiện như được sự đồng ý của NLĐ; số giờ làm thêm phù hợp với quy định của pháp luật lao động; phải trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định cũng như bố trí lịch nghỉ bù cho những số ngày không được nghỉ... để đảm bảo sức khỏe, ATVSLĐ cho NLĐ.Trong đó, số giờ làm thêm trong một tháng của một NLĐ không được quá 30 giờ. Như vậy việc công ty buộc NLĐ tăng ca trên 100 giờ/tháng là hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Do đó để đảm đảm quyền lợi của mình, NLĐ có thể liên hệ CĐCS để bảo vệ quyền lợi hoặc yêu cầu giải quyết TCLĐ tập thể theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 14 nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, NSDLĐ huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 BLLĐ 2012 sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000. Ngoài ra NSDLĐ còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng