Nghiên cứu - trao đổi
Học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự vận dụng, sáng tạo trong bối cảnh mới
10:51 PM 18/09/2019
(LĐXH) - Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời Đề tài cấp Nhà nước về “Nghiên cứu tổng kết học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin và đề xuất bổ sung, phát triển vào thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh mới”, ngày 18/9 tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Học thuyết giá trị thăng dư của chủ nghĩa Mác-Lênin: Những giá trị cốt lõi, những luận điểm đã bị lịch sử vượt qua, sự bổ sung, phát triển trong bối cảnh mới”. PGS.TS Đoàn Xuân Thủy, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm đề tài.
Tham dự và chủ trì Hội thảo, có PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Ngô Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị học; PGS Đoàn Xuân Thủy, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị cùng các đại biểu là các nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Chính trị KV I, KV IV; Học viện Báo chí Tuyên truyền; Học viện Cảnh sát nhân dân; Trường Bách khoa Hà Nội; Sĩ quan đặc công cùng đại biểu các đơn vị trực thuộc.
Tại Hội thảo, PGS.TS Đoàn Xuân Thủy đã trình bày báo cáo tóm tắt về một số nội dung của học thuyết giá trị thặng dư. Sau gần 2 thế kỷ, C.Mác đã phát minh ra học thuyết giá trị thặng dư, nhờ đó tìm ra và nhận thức rõ quy luật vận động kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho cuộc đấu tranh xóa bỏ mọi bất công xã hội, triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người. Sự bổ sung, vận dụng và phát triển học thuyết gái trị thặng dư của C.Mác vào điều kiện ở nước Nga đã giúp cho V.I.Lenin và Đảng Bôn-sê-vích cùng giai cấp công nhân Nga đã thực hiện thành công CMT10 năm 1917, mở ra kỷ nguyên, thời đại mới cho sự phát triển của nhân loại – thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo xu thế đó, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, mà một trong những yếu tố cốt lõi trong đó là học thuyết giá trị thặng dư làm nền tảng tư tưởng ngay từ khi thành lập. Sự vận dụng sáng tạo học thuyết này đã góp phần đặc biệt quan trọng vào thành công lớn của cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong việc dành và giữ chính quyền.
PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện CTQGHCM phát biểu chủ trì hội thảo
Tuy nhiên, với nhận thức chủ yếu về  bản chất bóc lột của giá trị thặng dư với tư cách là phạm trù đặc thù riêng có của chủ nghĩa tư bản (CNTB), học thuyết này đã được nghiên cứu và vận dụng với tư cách là công cụ tư tưởng để chống lại và xóa bỏ CNTB, việc nghiên cứu để vận dụng và xây dựng chế độ kinh tế - xã hội mới đã không được chú trọng ở Liên xô, các nước XHCN Đông Âu và những bước phát triển mới của CNTB trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã tạo cơ hội trỗi dậy của những tư tưởng chống đối, phản bác Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, trong đó có học thuyết gía trị thặng dư nói riêng. Tình hình đã và đang đặt ra vấn đề cho các dân tộc tiếp tục lựa chọn đi lên CNXH, trong đó có Việt Nam phải suy ngẫm, đổi mới tư duy phát triển. Do đó, việc coi chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có học thuyết gái trị thặng dư là một bộ phận cấu thành quan trọng đặc biệt trong nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN cần phải được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và quốc tế.
Những biến động phức tạp, khó lường trong phát triển kinh tế thế giới như toàn cầu hóa, khu vực hóa, các công ty đa quốc gia, sự thay đổi của các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế và đặc biệt là cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển của công nghệ số, công nghệ sinh học, thực tế ảo…; sự thay thế của máy móc tự động và trí tuệ nhân tạo cho lao động sống của con người; vai trò của những nhân tố chủ yếu trong sản xuất của xã hội công nghiệp như đất đai, lao động, nguyên liệu, vốn… đang có xu hướng dần suy giảm, tri thức đã và đang trở thành yếu tố quyết định nhất trong nền sản xuất hiện đại. Nhiều yếu tố mới đã xuất hiện trong phân phối thu nhập biểu hiện thông qua sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu bao gồm bộ phận công chức, người lao động có tay nghề cao có mức sống khá, một bộ phận công nhân có cổ phần, cổ đông trong các công ty trở thành nhà đầu tư thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu, phiếu tiết kiệm và thu được lợi tức cổ phần, lợi tức trái phiếu và lãi suất tiền gửi… tại các nước tư bản phát triển. Nhiều nước tư bản phát triển đã đạt được trình độ cao về phúc lợi xã hội… đã và đang đặt ra câu hỏi, phải chăng đó là những điều kiện biểu hiện mới của sản xuất và phân phối giá trị thặng dư?
Trong quá trình đổi mới ở Việt Nam, đã có không ít ý kiến cho rằng những giá trị cốt lõi trong học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác – Lênin cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào xây dựng CNXH  như vai trò của yếu tố chủ quan trong quá trình sản xuất hiện đại, vai trò của lao động khoa học công nghệ đứng bên cạnh để điều tiết và kiểm soát quá trình sản xuất, vai trò của sự dẫn đầu trong việc thu lợi nhuận siêu ngạch, các phương pháp sản xuất và hình thức phân phối gía trị thặng dư trong nền kinh tế TBCN hiện đại.
GS.TS Chu Văn Cấp, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị đóng góp ý kiến xoay quanh học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác - Lênin
Tuy nhiên, đến nay, nhiều vấn đề lớn về thực tiễn, căn cốt xuất hiện những chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng về lý thuyết. Sự bị động, tụt hậu về lý luận dưới ảnh hưởng rất lớn của tư duy giáo điều và phương pháp tiếp cận cũ đang kìm hãm sự phát triển KT – XH của đất nước. Về bản chất vẫn chưa có sự nghiên cứu bài bản trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, lộ trình, bước đi của CNXH; về mô hình phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm; về kinh tế thị trường định hướng XHCN và thực hiện hiệu quả quá trình CNH, HĐH đất nước, vừa tạo cơ hội phục hồi, phát triển chủ nghĩa hoài nghi. Việc chưa xác định rõ các quy luật của nền KTTT định hướng XHCN và mối quan hệ giữa chúng đang gây khó khăn trong việc xây dựng tầm nhìn, hoạch đinh chiến lược phát triển dài hạn, xác định vai trò cụ thể của Nhà nước trong nền KTTT. Đến nay vẫn chưa phân định rõ chức năng Nhà nước – thị trường cho nên Nhà nước vẫn đang làm thay, thực hiện nhiều chức năng mà thị trường đảm nhiệm hiệu quả hơn. Chính sách phân phối còn nhiều bất hợp lý chưa thực sự khơi dậy và phát huy được hiệu quả các động lực để phát triển kinh tế, đồng thời làm cho khoảng cách giàu nghèo của các tầng lớp dân cư, vùng miền, ngành nghề… ngày càng dãn rộng.
Cùng với đó, những vấn đề liên quan đến sở hữu, quản lý và sử dụng tư liệu sản xuất chủ yếu như đất đai chưa được giải quyết hợp lý do thiếu cơ sở khoa học nền tảng dẫn đến tình trạng khiếu kiện về đất đai ở tất cả các cấp hết sức phức tạp. Vấn đề vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước và phát huy vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN… mới chỉ dừng lại ở mức chủ trương…
Những thách thức nảy sinh từ thực tiễn cùng với xu thế phát triển mới của thời đại tạo ra yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ những giá trị cốt lõi, khoa học, chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết giá trị thặng dư, những luận điểm có giá trị lịch sử không còn phù hợp với bối cảnh mới, những dung cần bổ sung, phát triển và vận dụng vào phát triển KT – XH trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, tạo cơ sở khoa học thực sự cho việc bảo vệ, bổ sung phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến giá trị cốt lõi phản ánh bản chất khoa học và cách mạng của  học thuyết gía trị thặng dư; những luận điểm trong học thuyết giá trị thặng dư đã bị lịch sử vượt qua; những luận điểm trong học thuyết cần được bổ sung, phát triển phù hợp với bối cảnh hiện nay; những quan điểm phản bác; định hướng nghiên cứu và vận dụng sáng tạo học thuyết vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới./.

Hà Giang