Giáo dục - Nghề nghiệp
Hoạt động của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp hướng nhiều tới cơ sở
02:16 PM 08/01/2020
(LĐXH)- Trong năm qua Hiệp hội GDNN đã tích cực, triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, bao quát nhiều lĩnh vực.
Sáng 8/01/2020, tại Hà Nội, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng.
Dự Hội nghị có bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân dự và phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Chính Thức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết: Năm 2019, Hiệp hội đã thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám sát xã hội liên quan đến nhiều hoạt động sửa đổi văn bản pháp luật, chính sách về GDNN, lao động, việc làm. Cụ thể, trực tiếp tham gia góp ý sửa đổi Luật giáo dục, Bộ luật Lao động (các nội dung có liên quan đến kỹ năng cho người lao động), quy hoạch mạng lưới GDNN…; tham gia Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai Dự án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, Khung trình độ quốc gia Việt Nam, Khung tham chiếu trình độ ASEAN…
Đối với lĩnh vực GDNN và việc làm, Hiệp hội đã vận động hội viên tiếp cận và triển khai đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên kết với doanh nghiệp, tư vấn, hướng nghiệp… góp phần tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tăng cơ hội có việc làm cho người học sau tốt nghiệp.
Hiệp hội đã ký Kế hoạch hợp tác năm 2019 với Tổng cục GDNN, Cục Việc làm”, Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” – GIZ (CHLB Đức). Xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (16 lớp với 515 học viên) và bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho giáo viên để dạy nghề cho lao động nông thôn và bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho kỹ thuật viên các cơ sở làm đẹp 2019.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội
Cùng với đó, chủ trì xây dựng “Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) trình độ cao đẳng và trung cấp” cho nghề “Lắp đặt và bảo trì hệ thống năng lượng tái tạo”. Thành lập đoàn của Hiệp hội tham gia Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11 (tháng 3/2020) ở 26 nghề/tổng số 31 nghề chính thức tổ chức thi và 01 nghề trình diễn tại Kỳ thi này.
Đối với lĩnh vực CTXH, Hiệp hội tiếp tục vận động hội viên tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện các vă bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách như: Luật nghề CTXH, Luật ASXH, Luật An toàn vệ sinh lao động; tham gia đánh giá chính sách an sinh xã hội theo hướng gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm bền vững, mở rộng diện tham gia và hiệu quả thực hiện chính sách BHXH…
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, trong năm qua Hiệp hội đã tích cực, triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, bao quát nhiều lĩnh vực. Hoạt động của Hiệp hội đã hướng nhiều hơn tới cơ sở, đồng hành cùng cơ sở trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhiệm vụ của ngành; quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước đi vào thực chất và hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quân chúc mừng những kết quả mà Hiệp hội đạt được trong thời gian qua, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Hiệp hội trong định hướng, tham mưu và tư vấn nhiều lĩnh vực công tác của ngành; tham gia nhiều hoạt động chuyên môn, các kỳ thi, định hướng hợp tác, tham mưu nhiều ngành nghề mới xã hội đang cần. Hiệp hội có cách tiếp cận mới, đẩy mạnh công tác truyền thông, được Bộ đánh giá cao.
Thứ trưởng Lê Quân gợi mở thêm: Hiệp hội cần khơi thông hợp tác và phát huy vai trò của doanh nghiệp để doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn tới GDNN, khẳng định vai trò đi đầu trong đào tạo nghề của doanh nghiệp. Đề nghị Hiệp hội triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình này, đi vào thực chất hơn. “Nguồn lực lớn nhất là từ doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn có nhân lực tốt thì phải đầu tư đào tạo. Do đó cần khơi dậy tiềm lực từ doanh nghiệp” - Thứ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quân, thách thức trong 5 năm tới đó là đội ngũ nhà giáo và quản lý GDNN. Hiện chưa có có cơ sở dữ liệu, đội ngũ nhà giáo nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó Hiệp hội cần có tham mưu, đề xuất phát triển đội ngũ nhà giáo một cách hiệu quả.
Thứ trưởng cũng lưu ý Hiệp hội tăng cường công tác kiểm định chất lượng các cơ sở GDNN, phát huy vai trò của Hiệp hội trong tham gia giám sát, đánh giá để nâng cao chất lượng kiểm định./.
Dương Thìn