Xã hội
Hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công đáp ứng với thực tiễn
07:00 AM 08/02/2019
(LĐXH) - Chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là công cụ quan trọng trong việc quản lý xã hội, pháp luật về ưu đãi người có công nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.
Thành tựu đã đạt được sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện về diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, đã có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh, điều kiện xem xét xác nhận đã được sửa đổi, bổ sung mở rộng nhằm đảm bảo xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng như đối với việc xác nhận liệt sĩ, thương binh…. Toàn quốc đã xác nhận trên 9,1 triệu người có công, với trên 1,2 triệu liệt sĩ; gần 150.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng; trên 17.000 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945;  trên 1.5000 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; gần 800.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trên 110.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, trên 1,4 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng. Hàng năm nhà nước dành kinh phí trên 30.000 tỷ chi trợ cấp hang tháng, một lần cho người có công với cách mạng; hiện mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công là 1.515.000 đồng cao hơn mức chuẩn lương cán bộ, công chức.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với đoàn người có công tỉnh Vĩnh Long, nhân dịp đoàn ra thăm Hà Nội.
Ngoài chế độ trợ cấp, người có công với cách mạng tùy theo diện đối tượng còn được hưởng một số chế độ ưu đãi khác như: ưu đãi về đất ở, nhà ở; cấp thẻ Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe; giáo dục - đào tạo; tín dụng… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và được các cơ sở giáo dục tại địa phương chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.
Phương châm thực hiện chính sách ưu đãi trên cơ sở 3 nguồn lực “Nhà nước, nhân dân và bản thân đối tượng” luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác ưu đãi người có công với cách mạng. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình người có công với cách mạng; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ con em người có công với cách mạng phát huy truyền thống, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong 5 năm qua, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 5.220 tỷ đồng, xây dựng 36.970 căn nhà, sửa chữa 30.647 căn nhà với tổng trị giá hơn 10.280 tỷ đồng; tặng hơn 64.000 sổ tiết kiệm trị giá gần 288 tỷ đồng; cuối năm 2018 cả nước có hơn 5.064 bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhận phụng dưỡng.
          Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, với những thành tựu ngành LĐTB&XH đạt được, có thể thấy việc tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh đã có nhiều tác động sâu sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung nhất là:
- Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian qua là tiếp tục thể hiện đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước đối với những người, những gia đình đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận sâu rộng, động viên được trách nhiệm và tình cảm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tích cực góp phần tham gia chăm sóc người có công với cách mạng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được đẩy mạnh.
- Pháp lệnh hiện hành đã mở rộng điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng; bổ sung nhiều chế độ, chính sách ưu đãi nhằm góp phần ổn định và từng bước cải thiện đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân; thể hiện rõ hơn tính công bằng và tiến bộ xã hội, được xã hội và các đối tượng người có công với cách mạng đồng tình, ủng hộ; giải quyết một phần quan trọng tâm tư và những nguyện vọng chính đáng của người có công và thân nhân.
- Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và toàn xã hội, thông qua thực hiện Pháp lệnh, bằng những chính sách, những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, đời sống người có công với cách mạng nhìn chung ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện và cao hơn bình quân ở khu vực dân cư; đã động viên, khích lệ và tạo động lực để người có công với cách mạng và gia đình tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng nỗ lực vươn lên trong xây dựng cuộc sống gia đình, địa phương và tích cực bảo vệ Tổ quốc; niềm tin đối với Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và tăng cường; góp phần ổn định chính trị - xã hội ở từng địa phương cũng như cả nước.
- Thông qua quá trình thực hiện Pháp lệnh, các hoạt động thiết thực góp phần chăm sóc người có công với cách mạng đã có tác động lớn trong việc tiếp tục giáo dục truyền thống, phát huy nghĩa cử cao đẹp của dân tộc và ý thức trách nhiệm cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ của đất nước đối với những người, những gia đình đã cống hiến, hy sinh để đất nước được như ngày hôm nay. Mặt khác, đã huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội cả về vật chất và tinh thần, góp phần chăm sóc người có công với cách mạng. Điều đó càng có ý nghĩa hơn trong lúc đất nước nói chung và điều kiện ngân sách Nhà nước nói riêng còn không ít khó khan.
Sửa đổi để đáp ứng với thực tiễn
Mục tiêu quan trọng của tất cả những lần điều chỉnh, sửa đổi chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hơn nữa đời sống người có công, bởi chính sách đã ban hành là “tĩnh”, còn tình hình thực tế, trong đó có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước là “động”. Nếu chính sách không được điều chỉnh, sửa đổi thường xuyên thì đến lúc nào đó sẽ trở nên lạc hậu so với thực tế.
Trong lần sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công tới đây, Bộ LĐTB&XH đề ra một số phương hướng sau:
Sửa đổi toàn diện để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh; đáp ứng những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn; tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ. 
 Không mở rộng diện đối tượng mà tập trung cho việc chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công phù hợp với từng thời kỳ cách mạng để đảm bảo việc công nhận chính xác đối tượng người có công với cách mạng.
 Sửa đổi, bổ sung một số chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bảo đảm công bằng giữa các diện đối tượng người có công, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.
 Phân định rõ và đề cao trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách ưu đãi; huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống của người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Lê Tấn Dũng
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội