Lao động
Hoàn thiện, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động
05:09 PM 25/03/2020
(LĐXH) Với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động (NLĐ).
Trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ, BNN nằm trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, để tăng cường khả năng phòng ngừa TNLĐ, BNN được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, tránh sự tản mạn các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, Luật ATVSLĐ 2015 đã quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ Luật Bảo BHXH sang Luật ATVSLĐ. Tuy nhiên, việc thu, chi và quản lý quỹ vẫn do cơ quan BHXH thực hiện.
Theo đó, Luật ATVSLĐ 2015 quy định, người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Ngoài các nội dung chính được quy định từ trong Luật BHXH nhằm chi trả, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ, BNN, Luật ATVSLĐ bổ sung thêm nhiều quy định tạo thuận lợi cho NLĐ. 
Đặc biệt, phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ đã mở rộng đối tượng đóng, hưởng chế độ TNLĐ, BNN phù hợp với đối tượng đóng BHXH cho cả đối tượng NLĐ không có hợp đồng lao động, người lao động dưới 15 tuổi, kể cả lao động đã nghỉ hưu… 
Để triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 37/2016/NĐ-CP quy định và hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ về Bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc; Nghị định 44/2017/NĐ-CP về điều chỉnh giảm mức đóng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng đã ban hành Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc.
Theo đó, Bộ LĐTBXH cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện, hầu hết các trường hợp TNLĐ, BNN đã xác định tỷ lệ suy giảm sức khỏe đều được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, BNN theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện chế độ TNLĐ, BNN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về nội dung chính sách, việc xác định một số trường hợp bị nạn hoặc mắc bệnh thuộc danh mục BNN nhưng có được coi là TNLĐ, BNN hay không và về thủ tục hồ sơ làm cơ sở xét hưởng chế độ BHXH trong các trường hợp bị tai nạn được coi là TNLĐ.
Theo đó, để thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc cho NLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH cho rằng, các cấp, ngành cần tích cực sử dụng hiệu quả nguồn tối đa 10% từ nguồn thu Bảo hiểm TNLĐ, BNN hàng năm (500 tỷ mỗi năm) để hỗ trợ cho các DN, NLĐ trong cả nước phòng ngừa TNLĐ, BNN. Đồng thời, mở rộng nội dung hỗ trợ, nâng mức bồi thường trợ cấp; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN sang khu vực không có quan hệ lao động.
Tránh được tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động,
giảm chi phí, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc, thực hiện chế độ, chính sách TNLĐ-BNN tại các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giải quyết đóng, hưởng chế độ TNLĐ-BNN, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2016/NĐ-CP theo hướng: Bỏ bớt thủ tục hành chính; quy định rõ hơn, thuận lợi hơn mức hỗ trợ (cao hơn); quy trình xác định đối tượng được hưởng nhanh hơn, chính xác hơn, quy trình thực hiện thuận lợi hơn, nhằm hỗ trợ DN thực hiện tốt hoạt động phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN. Cụ thể:
Khám, chữa bệnh nghề nghiệp: Hiện nay, DN rất ngại, thậm chí trốn khám phát hiện BNN cho NLĐ vì việc khám này rất tốn kém so với khám sức khỏe bình thường. Khi phát hiện ra BNN, DN lại phải tốn kém rất nhiều chi phí chữa bệnh cho NLĐ. Bên cạnh đó, sẽ phải cải thiện điều kiện lao động, môi trường lao động. Chính vì lý do đó nên quy định hỗ trợ khám, chữa BNN là giúp DN giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi, chế độ cho NLĐ.
Phục hồi chức năng cho NLĐ: Khi NLĐ không may bị TNLĐ, bị suy giảm chức năng của các bộ phận cơ thể, NLĐ khó làm được công việc bình thường, dễ bị sa thải, mất việc làm. Quy định hỗ trợ DN phục hồi chức năng cho NLĐ là rất nhân văn, vừa giúp DN giảm chi phí phục hồi, giúp NLĐ phục hồi chức năng có thể tiếp tục làm công việc phù hợp, có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Đặc biệt giúp người lao động trong DN yên tâm công tác, gắn bó với DN.
Điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo đề nghị của cơ quan BHXH: Trước đây chưa có quy định này, khi Đoàn điều tra TNLĐ đưa ra kết luận điều tra, có trường hợp BHXH không đồng tình, nên có thể gây thiệt hại cho DN, nhất là chế độ chính sách không thực hiện được, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và Quỹ TNLĐ-BNN, nhưng khó tổ chức điều tra lại vì chưa có quy định của pháp luật nên không có kinh phí cho hoạt động này. Vì vậy, quy định này sẽ giải quyết được dứt điểm vướng mắc nêu trên.
Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ: Đây là hoạt động rất quan trọng trong phòng ngừa TNLĐ-BNN. Bởi vì khi NLĐ được huấn luyện ATVSLĐ theo đúng các quy định của Luật ATVSLĐ, Nghị định 44/2016/NĐ-CP và huấn luyện các giải pháp làm việc an toàn tại DN, cơ sở sản xuất , họ sẽ hiểu các rủi ro, biết cách phòng tránh nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ-BNN với họ. Biết bảo vệ mình và đồng đội xung quanh, đem lại hạnh phúc cho gia đình của họ khi không xảy ra TNLĐ –BNN. Tránh được TNLĐ – BNN là tránh được mất đi sức khỏe, tính mạng; giảm chi phí, thiệt hại cho DN, đem lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, góp phần phát huy hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Bộ LĐTBXH cho rằng, với hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí, góp phần đảm bảo an toàn, trật tự, phát triển xã hội.
Khánh Linh