Lao động
Hòa Bình: Đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn
01:39 PM 25/11/2019
(LĐXH) - Hàng năm, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương ở Hòa Bình được triển khai bằng các giải pháp cụ thể: hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tư vấn hỗ trợ việc làm cho người lao động là phụ nữ, người khuyết tật còn khó khăn về kinh tế và việc làm...


Dân số tỉnh Hòa Bình hiện nay khoảng 825.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%, có thể Hòa Bình đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao, đây là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để góp phần ổn định đời sống người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là khu vực nông thôn, với lực lượng lao động chiếm tới 80% lao động toàn tỉnh, vấn đề giải quyết việc làm là yêu cầu cấp thiết.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm DVVL tỉnh

Hàng năm, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương ở Hòa Bình được triển khai bằng các giải pháp cụ thể: hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tư vấn hỗ trợ việc làm cho người lao động là phụ nữ, người khuyết tật còn khó khăn về kinh tế và việc làm... Ngoài ra, giới thiệu các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về các huyện, thành phố để tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lên 60.000 lao động...

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 177.000 lao động, bình quân 16.000 lao động mỗi năm, trong đó, xuất khẩu lao động 4.000 người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã giải ngân trên 246 tỷ đồng cho các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho trên 11 nghìn lao động. Các cơ sở dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 53.000 lượt người; Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức 60 phiên giao dịch việc làm với trên 1.800 lượt doanh nghiệp tham gia. Qua đánh giá, đến nay, toàn tỉnh có 191/191 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm.

Lực lượng lao động khu vực nông thôn lớn nên vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn uôn được địa phương hết sức quan tâm

Dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn của tỉnh hiện chiếm trên 80% tổng số lao động, do đó để giải quyết hiệu quả việc làm cho lao động nông thôn, theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trước hết phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nông thôn và vấn đề việc làm cho lao động nông thôn, từ đó có các giải pháp cơ bản, phù hợp với từng vùng cụ thể. Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng tới đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tập trung đào tạo cho lao động kỹ thuật sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng để thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các nghề phi nông nghiệp. Với mục tiêu sau năm 2020 công tác dạy nghề tạo đột phá về chất lượng đào tạo nghề theo hướng tiếp cận trình độ chung của cả nước và khu vực ASEAN, nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kiến thức, năng lực thực hành nghề; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm (Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động) và các đề án, chính sách về giải quyết việc làm; chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm; Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; nâng cao hiệu quả tổ chức sàn giao dịch việc làm tại địa phương; nâng cao chất lượng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên thị trường…

Trần Huyền