Lao động
Hỗ trợ giải quyết việc làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Thuận
11:20 AM 29/05/2023
(LĐXH) - Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nhất là ở các vùng nghèo, vùng sâu xa, vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu hướng tới là đảm bảo sinh kế, ổn định đời sống người dân.

Tỉnh Ninh Thuận có 06 huyện và 01 thành phố, trong đó, huyện Bác Ái thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Giai đoạn 2021-2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh có 28 xã; trong đó có 15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I với 71 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số, với 38.431 hộ/170.566 khẩu, chiếm 23% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc Raglai chiếm 10,6%, dân tộc Chăm chiếm 11% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Chăm sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng, mặt bằng dân trí tương đối cao, kinh tế chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, trình độ sản xuất nông nghiệp khá, có truyền thống văn hóa lâu đời; Dân tộc Raglai và các dân tộc khác khác chủ yếu ở miền núi, mặt bằng dân trí còn thấp, kinh tế chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp; Dân tộc Hoa sống tập trung chủ yếu các thị trấn, thành phố, nghề nghiệp buôn bán, kinh doanh là chính.… Tất cả những đặc điểm này tạo nên nét văn hoá riêng trong quá trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận.  

Các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất

Theo thống kê, trong năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm là 18.730 người, trong đó giải quyết việc làm cho lao động là dân tộc thiểu số khoảng trên 7.965 lao động, chiếm 42,53% so với tổng số được giải quyết việc làm; xuất khẩu lao động là 154 lao động, trong đó người dân tộc thiểu số là 14 người. Thông qua nguồn vốn vay giải quyết lao động việc làm đã cho vay 27,616 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 540/4.102 lao động, chiếm tỷ lệ 13,17% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm từ nguồn vốn này. Đào tạo nghề cho 10.803 người, đạt 120% kế hoạch năm (nhóm ngành nông nghiệp là 2347 người, chiếm 21,7%). Trong số lao động nông thôn được đào tạo nghề, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số là 4320 người, chiếm tỷ lệ 40%. Số lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số đã học xong và có việc làm đạt tỷ lệ trên 85%. Riêng kinh phí tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2022 được 2.913 người/6.508.683 triệu đồng (nhóm ngành nông nghiệp là 2347 chiếm 80,57%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,93%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ là 27,86%. Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tập trung mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, nghề đào tạo chủ yếu là những ngành nghề mà đồng bào đang có nhu cầu học hỏi để tìm kiếm việc làm và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình nên đồng bào tham gia rất nhiệt đình, chính quyền các địa phương có đông đồng bào thiểu số sinh sống đã giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Đến nay đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất, hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang từng bước phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đạt bình quân 10%/năm; cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch; cây trồng vật nuôi phát triển theo hướng khai thác các tiềm năng, lợi thế của vùng; công tác khuyến nông, khuyến lâm, khoa học kỹ thuật vào sản xuất được áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu lao động trong vùng từng bước chuyển dịch, qua đó giải quyết việc làm góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Hộ nghèo cuối năm 2022 của tỉnh có 11.015 hộ, chiếm tỷ lệ 5,93%; hộ cận nghèo có 10.087 hộ, chiếm tỷ lệ 5,43% (chuẩn giai đoạn 2022-2025), trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 8.635 hộ, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số 4.687 hộ. Bình quân, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm bình quân 4%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều.

Nhờ được tiếp cận các nguồn lực từ vốn vay, cây con giống, kỹ thuật... đời sống của đồng bào từng bước cải thiện với công ăn việc làm ổn định

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đây là cơ sở quan trọng để Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, đầu tư về nguồn nhân lực cho khu vực này thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, phát triển bền vững. Tới đây, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất phục vụ sản xuất và dân sinh ở các vùng đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn, địa phương sẽ tập trung tăng cường đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; thực hiện chính sách giao khoán đất rừng đảm bảo cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững./.

Trần Huyền