Thời sự
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững
10:28 AM 19/12/2017
(LĐXH)- Đó là ý kiến trao đổi của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi chào xã giao từ biệt bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhân dịp bà kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, diễn ra chiều 18/12.
Cùng dự có lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Văn phòng Bộ…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam
Tại buổi buổi chào, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chúc mừng bà Charlotte Laursen đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 nhiệm kỳ tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao vai trò đóng góp của cá nhân bà Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, cũng như đóng góp trong quan hệ hợp tác về một số lĩnh vực giữa Bộ Lao động – TBXH Việt Nam và Bộ Việc làm Vương quốc Đan Mạch. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm đầu tư vào Việt Nam, là đối tác thương mại – đầu tư quan trọng của Việt Nam. Sự hỗ trợ của Đan Mạch đang tiếp sức cho công cuộc phát triển của Việt Nam cũng như tạo nên đà tăng trưởng trong quan hệ kinh tế song phương. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu thương mại hai chiều hiện ở mức khoảng 500 triệu USD. Sự phát triển giữa hai nước cũng giúp thu hút các công ty Đan Mạch tới Việt Nam, hiện có khoảng 135 công ty của Đan Mạch đang kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, năng lượng sạch, công nghệ thông tin truyền thông, điện tử và phần mềm, vận tải hàng hải và hậu cần, thực phẩm…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò của bà Charlotte Laursen trong quá trình hợp tác giữa Đan Mạch và Bộ Lao động - TBXH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Thời gian qua, giữa Bộ Lao động – TBXH Việt Nam và Bộ Việc làm Vương quốc Đan Mạch đã có nhiều hợp tác chặt chẽ, cùng phát triển về lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, việc làm và dạy nghề. Trong đó, Chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ Chương trình Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 với tổng kinh phí 184 tỷ đồng. Đây là Chương trình nhằm cải thiện điều kiện lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, thông qua việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường làm việc, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Bà Charlotte Laursen cam kết sẽ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển quan hệ song phương hai nước
Trong lĩnh vực dạy nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp), từ năm 2013, Bộ Lao động – TBXH, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực giáo dục với Bộ Trẻ em, Giáo dục và Bình đẳng giới và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Đan Mạch trên cơ sở Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch. Đến năm 2016, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 4 Bộ đã hết hạn và được hai bên nhất trí nội dung và ký lại vào tháng 2/2017. Trong khuôn khổ Thỏa thuận này, phía Đan Mạch tài trợ cho Việt Nam dự án thí điểm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, các trường nghề và doanh nghiệp trong nghề Thiết kế đồ họa và nội thất với kinh phí tương đương 656.558 USD cho giai đoạn 2016 – 2019. Đây là dự án kỹ thuật và nguồn vốn này sẽ do phía Đan Mạch tự quản lý, sử dụng và giải ngân theo quy định của nhà tài trợ. Dự án gồm 5 hoạt động và mục tiêu chính là xây dựng hệ thống đào tạo kép, trong đó các doanh nghiệp và nhà trường hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo việc đánh giá và sự phù hợp của các kỹ năng cần thiết đối với sự phát triển nhân lực trong lĩnh vực nghề…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm cho bà Charlotte Laursen
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá cao quá trình hợp tác giữa Bộ Lao động – TBXH và Đan Mạch thông qua Chương trình mang tên “Hợp tác chiến lược theo ngành – SSC”, trong đó có lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo Bộ trưởng, hiện cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây được xem là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động có tay nghề tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, lao động qua đào tạo chưa có việc làm… Do đó, Bộ Lao động – TBXH xác định năm 2018 là năm đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cần thực hiện 3 nhóm giải pháp có tính chất đột phá là giao quyền tự chủ cho các trường, kết nối doanh nghiệp và chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế. Bộ trưởng rất tin tưởng với 2 nhiệm kỳ bà Đại sứ đã gắn bó với Việt Nam, khi về nước trên cương vị mới, bà tiếp tục có tiếng nói và có thêm nhiều đóng góp vào sự phát triển quan hệ song phương hai nước, nhất là quá trình hợp tác giữa Đan Mạch và Bộ Lao động – TBXH trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để hướng tới mực tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.
Bộ trưởng và lãnh đạo một số đơn vị chụp ảnh lưu niệm cùng bà Charlotte Laursen
Cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp, bà Charlotte Laursen đã chúc mừng những thành tựu phát triển mọi mặt của Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, bà rất hài lòng về tiến độ của Dự án thí điểm tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, các trường dạy nghề và các doanh nghiệp trong nghề Thiết kế đồ họa và Nội thất. Với 5 hoạt động, mục đích chính của dự án là hỗ trợ xây dựng hệ thống đào tạo kép trong đó các doanh nghiệp và nhà trường hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo việc đánh giá và sự phù hợp của các kỹ năng cần thiết đối với sự phát triển nhân lực trong lĩnh vực nghề Thiết kế đồ họa và Nội thất. Đồng thời, khẳng định dù ở cương vị nào cũng sẽ tiếp tục góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, trong đó có Bộ Lao động – TBXH.

Chí Tâm