Lao động
Hỗ trợ 45.665,263 tỷ đồng cho người dân và người lao động
09:20 AM 27/12/2022
(LĐXH)- Thực hiện số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu gây khủng khoảng y tế và xã hội. Tại Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát cuối tháng 4 năm 2021 tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động, nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế đất nước. Để hạn chế lây lan, các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, hạn chế đi lại được thực hiện chặt chẽ trên phạm vi rộng, trong thời gian dài, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố miền Đông, miền Tây Nam Bộ và nhiều địa phương khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, việc làm của hàng chục vạn người lao động.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP
Để góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ và chia sẻ với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với chuyên gia các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19 với 4 nguyên tắc cơ bản: hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, giảm thủ tục hành chính; đảm bảo chính sách có tính khả thi và mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, người dân, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.
Cụ thể, về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 389.800 đơn vị sử dụng lao động (tương ứng khoảng 11,6 triệu người lao động) với số tiền là 4.164 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện chính sách này, cơ bản không có vướng mắc và đã góp phần hỗ trợ tích cực cho người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, có nguồn lực để thực hiện phòng, chống COVID-19 cho người lao động tại nơi làm việc.
Thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, tính đến ngày 19/7/2022, đã giải quyết đối với 1.013 đơn vị sử dụng lao động, với trên 207.600 người lao động tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.393,2 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện chính sách này, một số doanh nghiệp có đủ điều kiện hưởng chính sách nhưng không đề nghị hưởng do muốn giữ chân người lao động thông qua việc duy trì đóng bảo hiểm xã hội và sau thời gian tạm dừng doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đóng bù một khoản tiền lớn nên kết quả thực hiện thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, tính đến ngày 19/7/2022, đã tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 66 đơn vị sử dụng lao động để đào tạo cho 8.230 người lao động với số tiền là 38,87 tỷ đồng.
Theo đánh giá và ghi nhận, kết quả thực hiện trên khá thấp so với dự kiến ban đầu do các nguyên nhân chủ yếu: (i) điều kiện xét hưởng khá chặt; (ii) thời điểm thực hiện chính sách diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội nên các hoạt động đào tạo không thực hiện được; (iii) sau giãn cách xã hội các doanh nghiệp tập trung sử dụng lao động cho phục hồi sản xuất, kinh doanh nên không thể bố trí lao động để đào tạo lại.
Về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tính đến ngày 30/6/2022, đã hỗ trợ cho 2.037.065 người với số tiền là 6.631,233 tỷ đồng. Đây là chính sách được kế thừa theo Nghị quyết số 42/NQ-CP thực hiện năm 2020 nhưng có sự mở rộng đối tượng, điều kiện hỗ trợ, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, hồ sơ xét duyệt nên kết quả đạt được độ bao phủ cao hơn.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, đã thực hiện hỗ trợ cho 1.129.755 người, với số tiền là 1.129,755 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện chính sách này cơ bản không có vướng mắc và đã góp phần hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã hỗ trợ cho 4.984 người với số tiền là 19,9 tỷ đồng. Số đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này không nhiều do phần lớn người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đã tham gia và đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nên khi chấm dứt hợp đồng lao động chuyển sang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Cả nước đã có hàng chục triệu người lao động được hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP
Chính sách hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đã thực hiện hỗ trợ cho 38.773 người mang thai và 682.255 người lao động nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi, với số tiền là 721,028 tỷ đồng; 468.035 trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế, với số tiền là 468,035 tỷ đồng; 68.582 người cao tuổi, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là F0, F1 đã được hỗ trợ, với số tiền là 68,842 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ tiền ăn, đã thực hiện hỗ trợ tiền ăn đối với 4.034.737 người bị F0, F1, với số tiền là 3.454,547 tỷ đồng. Chính sách này hỗ trợ cho những người bị tác động trực tiếp bởi dịch nên số lượng khá đông. Việc hỗ trợ này đã động viên kịp thời cho những người bị nhiễm COVID-19 yên tâm điều trị, người thuộc diện F1 thực hiện tốt việc cách ly, góp phần tích cực cho công tác phòng chống dịch.
Chính sách hỗ trợ đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ và hướng dẫn viên du lịch, đã hỗ trợ cho 20.212 người với tổng số tiền là 74,864 tỷ đồng, trong đó: số đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được hỗ trợ là 1.978 người, với số tiền là 7,337 tỷ đồng; số hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ là 17.841 người, với số tiền 66,111 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, một số diễn viên, nghệ sĩ có điều kiện kinh tế khá thuộc đối tượng được hưởng nhưng đã tự nguyện không nhận để dành nguồn kinh phí cho những người khó khăn hơn.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, đã hỗ trợ cho 508.127 hộ kinh doanh, với số tiền hỗ trợ 1.507,417 tỷ đồng. Đây là chính sách đã thực hiện năm 2020 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP nhưng được mở rộng hơn về các điều kiện xét hưởng do đó số lượng hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được hỗ trợ cao hơn.
Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết ngày 31/3/2022, cả nước đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng cho 3.561 lượt người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động, trong đó: vay vốn để trả lương ngừng việc với tổng số tiền giải ngân là 262 tỷ đồng cho 1.267 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 73.460 lượt người lao động; vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh: tổng số tiền giải ngân là 4.241 tỷ đồng cho 1.912 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1.074.013 lượt người lao động; vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh theo 05 lĩnh vực với tổng số tiền giải ngân là 284 tỷ đồng cho 382 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 71.475 lượt người lao động. Số vốn cho vay tập trung ở một số tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch như Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù: Đối với nhóm lao động tự do, có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục công việc, điều kiện, mức hỗ trợ lao động tự do, trong đó 04 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Mức hỗ trợ dao động từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng/người/lần, một số địa phương hỗ trợ theo mức 50.000 đồng/ngày hoặc 50.000 đồng/ngày kèm theo số ngày tối đa (30 ngày) hoặc số tiền tối đa (2.000.000 đồng/người).
Đối với nhóm đối tượng đặc thù, có 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chính sách hỗ trợ riêng đối với nhóm đối tượng đặc thù. Đối tượng đặc thù được hỗ trợ gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, lao động thời vụ, lao động thuộc diện thuê khoán, hộ sản xuất nông lâm ngư và diêm nghiệp, lao động từ vùng dịch trở về, giáo viên, nhân viên phục vụ ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập, người bị cách ly tập trung hoặc đang điều trị COVID-19... Mức hỗ trợ trung bình cho các đối tượng đặc thù dao động từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng/người.
Nhìn chung, việc triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do và đối tượng đặc thù không có nhiều vướng mắc. Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, các tỉnh, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 15.664.935 người, với tổng số tiền là 21.231,786 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách địa phương.
Đánh giá tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, khẳng định: Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP còn một số hạn chế, song về cơ bản, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhanh chóng, kịp thời; nội dung các chính sách được xây dựng bám sát theo yêu cầu thực tiễn; điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ được thiết kế đơn giản, linh hoạt. Công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ. Kết quả đã thực hiện hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng trong thời gian ngắn, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định cuộc sống của người lao động, hỗ trợ cho người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội.

Chí Tâm