Xã hội
Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng ở Yên Bái
06:13 PM 19/08/2020
(LĐXH)-Tại Yên Bái, tội phạm mua bán người tập trung ở địa bàn người dân tộc thiểu số, vùng cao hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống (các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên).
Tuyên truyền phòng, chống mua bán người cho bà con dân tộc
Đối tượng phạm tội thường là người dân tộc Mông ở địa phương, câu kết với các đối tượng ở các tỉnh lân cận như Lào Cai, Lai Châu hoặc thông qua người quen đang làm ăn sinh sống ở các tỉnh biên giới và ở bên Trung Quốc để phạm tội. Các đối tượng thường làm quen qua điện thoại, mạng xã hội, hoặc trực tiếp gặp gỡ rủ nạn nhân đi làm các công việc nhàn hạ, với mức thu nhập cao; rủ đi lấy chồng người Trung Quốc hứa hẹn cuộc sống sung sướng; giả vờ yêu nhau, đưa đi chơi, đưa về thăm gia đình... sau đó lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp. Nạn nhân bị mua bán thường là những trẻ em gái và phụ nữ người dân tộc Mông do nhẹ dạ, cả tin, trình độ dân trí hạn chế, hoàn cảnh gia đình éo le, kinh tế khó khăn, không có việc làm...
Khi được giải cứu trở về quê hương, hầu hết các nạn nhân bị mua bán đều âm thầm, tủi hổ, lặng lẽ như một cái bóng. Nhiều người bị suy sụp tinh thần. Họ hàng, làng xóm không cảm thông, thậm chí còn nhìn với con mắt khinh rẻ và hắt hủi
Chính vì vậy, hỗ trợ nạn nhân về kỹ năng sống, điều kiện kinh tế và tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống là rất cần thiết.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và cơ quan đoàn thể liên quan trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tích cực đã hỗ trợ về tâm lý, giúp đỡ các nạn nhân các thủ tục để được hưởng chính sách trợ cấp khó khăn ban đầu của Nhà nước, hướng dẫn nạn nhân hoàn thiện các thủ tục yêu cầu thi hành án, các thủ tục liên quan đến việc đăng ký kết hôn cho nạn nhân..., tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để có thêm các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động phòng chống MBN.
Tỉnh Yên Bái đã được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ Dự án bảo vệ nạn nhân - Chương trình chấm dứt MBN (ETIP).  Dự án ETIP đã hỗ trợ đối tác tại tỉnh Yên Bái thành lập hai nhóm tự lực tại xã An Phú, huyện Lục Yên và phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ vào tháng 01/2015 để tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho các thành viên nhóm chia sẻ, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, đồng thời, hỗ trợ các thành viên của nhóm tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ trợ giúp sẵn có.
Khi thành lập, mỗi nhóm có 10 thành viên, trong đó, nhóm ở thị xã Nghĩa Lộ có 07 thành viên là nạn nhân bị mua bán và 03 thành viên là nạn nhân bị bạo lực gia đình; nhóm ở huyện Lục Yên có 03 thành viên là nạn nhân bị mua bán, 05 thành viên là phụ nữ nghèo và 02 thành viên là nạn nhân bị bạo lực gia đình. “Thành viên không phải là nạn nhân bị mua bán cũng tham gia nhóm để nhóm không trở thành nhóm đặc thù và tránh được tâm lý kỳ thị của cộng đồng”, đại diện WVI cho biết. 
Nhóm tự lực tổ chức sinh hoạt hàng tháng, mỗi tháng một lần dưới sự hỗ trợ trực tiếp của một cán bộ Hội LHPN xã. Trong 5 - 6 tháng đầu sau khi thành lập nhóm, cán bộ Hội Phụ nữ sẽ trực tiếp quản lý, điều hành sinh hoạt nhóm, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị báo cáo sinh hoạt nhóm. Thời gian sau, nhiệm vụ quản lý và điều hành sinh hoạt nhóm được chuyển giao dần cho thành viên trong nhóm, cán bộ Hội Phụ nữ chỉ còn giữ vai trò hướng dẫn, đôn đốc. Để duy trì sinh hoạt nhóm tự lực, ngoài khoản kinh phí ban đầu do Chương trình ETIP hỗ trợ, các thành viên trong nhóm đã tự nguyện đóng góp mỗi người một khoản tiền nhỏ từ 20.000 – 50.000 đồng/tháng, luân phiên cho các thành viên trong nhóm vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhỏ
Theo đánh giá bước đầu, thông qua việc thành lập và duy trì hoạt động của mô hình nhóm tự lực đã giúp tăng cường nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và cộng đồng về vấn đề phòng, chống mua bán người nói chung, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng nói riêng. Nhóm tự lực cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, UBND như: sử dụng Nhà văn hóa của phường làm địa điểm sinh hoạt; cán bộ xã, phường tham dự một số buổi sinh hoạt nhóm và cam kết duy trì nhóm... Theo đánh giá, việc hoạt động của nhóm đã làm giảm tình trạng xuất khẩu lao động trái phép, giảm số lao động đi làm xa, không rõ nơi đến, công việc cụ thể và hạn chế tình trạng bị lừa đảo.
Chị L.T.H, một trong những nạn nhân bị mua bán trở về. Khi chưa có nhóm sinh hoạt và chưa có sự hỗ trợ vốn của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (WVI) tại Việt Nam, chị chưa biết làm gì để có thu nhập. Sau hơn 1 năm tham gia sinh hoạt nhóm và được nhận hỗ trợ tài chính của Tổ chức WVI, chị đã nuôi một đàn gà và bán được 11 triệu đồng. Số tiền bán được chị đã biết quay vòng vốn để nuôi một đàn ngan. Hiện nay, đàn ngan của chị có 50 con, dự kiến chị sẽ bán được với số tiền khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, chị vẫn duy trì việc đi làm thêm với mức lương 2,5triệu/tháng. “Cuộc sống thấy vui vẻ, phấn khởi hơn”, chị L.T.H chia sẻ. 
Chị H.T.L cũng là nạn nhân bị mua bán trở về. Trước khi tham gia sinh hoạt nhóm, chị chưa có việc làm ổn định. Hiện, chị đã trồng củ đậu và có thu nhập khoảng 40 triệu/2vụ/ năm và đã thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị có một con trâu và mới mua thêm một con trâu nái để nuôi làm sức kéo, chờ đến khi trâu sinh thì bán nghé con. Chị thấy cuộc đời mình đã bước sang một trang mới với đầy sự ấm áp và hạnh phúc. Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt chị: "Nhờ có Hội Phụ nữ, các ngành và WVI giúp đỡ, tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi cảm thấy ấm áp bên gia đình cùng xây dựng cuộc sống mới”. 
Chị H. và chị L. chỉ là hai trong rất nhiều chị em bị mua bán trở về ở Yên Bái và là thành viên của nhóm tự lực hỗ trợ người bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng – nằm trong Dự án bảo vệ nạn nhân, chương trình chấm dứt mua bán người do WVI tại Việt Nam hỗ trợ. 
Đa số nạn nhân trong vùng can thiệp của WVI tại Việt Nam là các em còn đang độ tuổi đi học, hoặc là phụ nữ đã có gia đình, việc tham gia vào một dịch vụ ngoài cộng đồng là rất khó tiếp cận. Mô hình nhóm tự lực như này đã góp phần hỗ trợ nạn nhân về kỹ năng sống, sinh kế và từng bước tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khác để hòa nhập cộng đồng thành công./.
Mỹ Hạnh