Xã hội
Hiệu quả từ mô hình công tác xã hội trong trường học ở Hà Nội
03:08 PM 11/11/2019
(LĐXH)- Tại Hà Nội, mô hình CTXH trong các trường học được Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Thanh Oai triển khai thí điểm tại 01 trường tiểu học và 01 trường THCS từ năm học 2017 – 2018, đến nay đạt được những kết quả đáng khích lệ và sẽ được nhân rộng trong những năm học tới.
Hiện nay, các vấn đề tồn tại của học sinh và khoảng trống về các hoạt động can thiệp, trợ giúp trong trường học như: học sinh bỏ học, có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vấn đề bạo lực, bắt nạt, học sinh có quan hệ tình dục, bị rối nhiễu tâm trí, trầm cảm, tự kỷ, học sinh khuyết tật… Điều này rất cần có các tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để phòng ngừa, hỗ trợ, phục hồi những tổn thương về tinh thần, hỗ trợ vật chất để các em được hòa nhập trong môi trường giáo dục một cách tốt nhất. Do đó rất cần mô hình CTXH trong trường học.
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở LĐ–TBXH phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ CTXH cho 120 giáo viên tại huyện Thanh Oai. Nhiệm vụ này được hai Sở đã thống nhất giao cho Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội (thuộc Sở LĐ-TBXH) phối hợp với Phòng GD-ĐT Thanh Oai triển khai thực hiện. Sở GD-ĐT đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thành lập bộ phận vấn tâm lý cho học sinh trong các trường; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên nhiệt tình, có năng lực, có ý thức trách nhiệm và đây là những thuận lợi rất cơ bản để triển khai mô hình CTXH trong trường học.
Cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Thanh Oai triển khai mô hình CTXH tại trường TNCS Phương Trung
Ông Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội cho biết: “Trong quá trình tổ chức chương trình tập huấn, chúng tôi thấy nhu cầu triển khai CTXH trong các trường học là rất cần thiết, vì trước đó Hà Nội được tiếp nhận dự án của tổ chức Plan International tại Việt Nam là Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng được thí điểm tại 20 trường học trên địa bàn thành phố, trong đó có 01 trường của huyện Thanh Oai. Những hoạt động của dự án rất phù hợp với nội dung, hình thức hoạt động của nghề CTXH, đặc biệt là khi Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là những cơ sở pháp lý rất quan trọng để triển khai các nguyên tắc và nội dung hoạt động CTXH trong trường học”.
Trung tâm đã chủ động tham mưu đề xuất với Phòng Công tác chính trị tư tưởng - Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TBXH Hà Nội về triển khai mô hình CTXH trong các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Oai, trong đó lựa chọn 01 trường tiểu học và 01 trường THCS để thực hiện thí điểm trong năm học 2017 – 2018, đó là trường Tiểu học Tam Hưng và trường THCS Phương Trung. Mục tiêu của mô hình nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển CTXH tại các nhà trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn, sinh hoạt ngoại khóa, diễn đàn trẻ em… nhằm nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, các cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ nhân viên trong các nhà trường về vai trò, tầm quan trọng của các dịch vụ  CTXH trong trường học.
Cùng với đó, xây dựng và phát triển dịch vụ CTXH trong trường học nhằm bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em; hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp đối với học sinh đang gặp khó khăn trong cuộc sống, học tập và có hình thức giải quyết phù hợp, giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xẩy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng  phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng phòng ngừa tác hại trên môi trường mạng…; rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Căn cứ vào quá trình triển khai mô hình CTXH tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Thanh Oai cho thấy, việc hình thành phòng CTXH trong các trường học là phù hợp với mục tiêu chung tại Quyết định số 327/QĐ – BGDĐT ngày 25/01/2017 là: “Phát triển CTXH trong ngành Giáo dục nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ CTXH chuyên nghiệp trong tất cả các nhà trường trên toàn quốc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; cung cấp nguồn nhân lực cho các ngành sử dụng nhân viên CTXH chuyên nghiệp”.
Đến nay, nhận thức của cán bộ lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đoàn, đội, nhân viên y tế học đường và giáo viên chủ nhiệm của các trường được lựa chọn làm mô hình điểm đã có những thay đổi tích cực và đều có nguyện vọng được triển khai mô hình trong tất cả các trường học. Điều này xuất phát từ nhu cầu của học sinh, giáo viên, phụ huynh và các cấp chính quyền cơ sở, bởi hoạt động CTXH góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thanh Oai khẳng định: Trong những năm học tới, Phòng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Hà Nội triển khai nhân rộng mô hình CTXH tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện; tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác tư vấn cho học sinh. Tiếp tục rà soát số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm căn cứ cho việc phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp các cá nhân, tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế có kế hoạch trợ gúp, hỗ trợ trẻ em vượt qua khó khăn, hòa nhập môi trường giáo dục để không học sinh nào phải bỏ lại phía sau.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp tâm lý học sinh, đặc biệt là công tác đào tạo kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ nòng cốt trong các lớp học về kỹ năng, xử lý tình huống và biết tìm sự giúp đỡ của người khác khi có sự cố xảy ra đối với học sinh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình phòng ngừa, hỗ trợ, phục hồi các chức năng đã bị tổn thương để học sinh được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục an toàn, thân thiện./.
Hồng Minh