Thời sự
Hiệu quả từ Đề án nâng cao chất lượng tín dụng cho người nghèo khu vực Tây Nam Bộ
04:19 PM 05/09/2018
(LĐXH) - Trong 5 năm vừa qua, thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ” và được sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương trong khu vực, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện đề án, do đó chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh, thành trong khu vực được nâng lên.
Nhiều hộ gia đình được thụ hưởng từ đề án tín dụng
Tổng doanh số cho vay toàn vùng đạt 33.393 tỷ đồng với 2.350.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; tổng dư nợ đến năm 2017 đạt 27.838 tỷ đồng, tăng 10.918 tỷ đồng so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân là 10,5%, cao hơn 1,8% tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn hệ thống (8,7%). Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hậu Giang 14,7%; Cần Thơ 13,6%; Cà Mau 12,3%; Sóc Trăng 11,8%…
Thông qua 1.581 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã đã góp phần đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương; đồng thời, tiết giảm chi phí đi lại cho người dân, NHCSXH đã giúp cho trên 2,3 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Qua đó, góp phần giúp gần 386.000 hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động; giúp trên 184.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1.089.000 công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; trong đó, có trên 20.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long… Bên cạnh đó, tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nam bộ giảm từ 10% (năm 2012) xuống còn khoảng 8,4% (năm 2016) theo tiêu chí nghèo đa chiều.
Bước đầu có chuyển biến tích cực, nhưng tín dụng chính sách xã hội khu vực Tây Nam bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Chất lượng tín dụng chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các địa phương; công tác điều tra, xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa kịp thời rà soát, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Sự phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm… với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa tạo được sự gắn kết để vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy hiệu quả đồng bộ và lâu dài.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn do công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách có liên quan đến công tác giảm nghèo ở một số địa phương chưa sâu, rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo; công tác phối kết hợp giữa các Sở, ban ngành, địa phương trong Ban Chỉ đạo đôi lúc chưa chặt chẽ, nhịp nhàng; thông tin báo cáo chưa đầy đủ và chưa kịp thời. Nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo còn hạn chế, việc triển khai tổ chức thực hiện các Chương trình, hoạt động hỗ trợ cho người nghèo ở một số nơi còn chậm. Một bộ phận hộ nghèo, người nghèo vẫn còn trông chờ nhiều vào sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng, không muốn thoát nghèo. Ngoài ra, còn một số hộ nghèo thuộc diện neo đơn, mất sức lao động, bệnh hiểm nghèo và không tư liệu sản xuất nên khó giảm nghèo bền vững…
NHB