Lao động
Trà Vinh đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động
02:26 PM 02/11/2020
(LĐXH)- Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được triển khai sâu rộng. Nhờ đó, công tác vệ sinh an toàn lao động cũng như việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh được quan tâm đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Những năm qua, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tại Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực, đóng góp tích cực trong việc chăm lo, đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động từng bước chuyển biến tích cực; điều kiện, môi trường làm việc ngày càng được quan tâm, cải thiện; công tác phòng ngừa tai nạn lao động, huấn luyện vệ sinh an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm, triển khai chủ động hơn. 
Xe tuyên truyền cổ động về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ của Công an tỉnh Trà Vinh
Trà Vinh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; huấn luyện, hỗ trợ trang thiết bị nâng cao năng lực hệ thống kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động; điều tra thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; kiện toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.
Triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn chuyên môn, tập huấn, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp; tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nghiệp vụ quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố có hại; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; các hoạt động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục hậu quả bệnh nghề nghiệp.
Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ (ảnh minh họa)
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ. Nâng cao năng lực hoạt động huấn luyện, truyền thông, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ mở rộng mạng lưới truyền thông viên về an toàn, vệ sinh lao động; triển khai huấn luyện, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc cho người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc.
Tỉnh đã có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực này, đặc biệt là các hoạt động kiểm định kỹ thuật, huấn luyện, quan trắc môi trường lao động; lồng ghép các hoạt động của chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động với các chương trình mục tiêu có liên quan khác.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả này, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh không xảy ra tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động, cũng như trong khu vực không có quan hệ lao động. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động ngày càng được chú trọng; các doanh nghiệp tích cực tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động, qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức thức về an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn./.
Hồng Anh