Lao động
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động ở Sóc Trăng
08:34 AM 28/07/2020
(LĐXH)- Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không xảy ra tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động, cũng như trong khu vực không có quan hệ lao động; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ ngày càng được chú trọng; các doanh nghiệp tích cực tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động.
Tích cực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Kể từ khi Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ nhất được tổ chức, hàng năm, Sở LĐTB&XH tỉnh Sóc Trăng đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vê an toàn, vệ sinh lao động năm. Kế hoạch nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp; nâng cao ý thức, nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật an toàn, vệ sinh lao động và Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hình ảnh tại Lễ phát động năm 2019 tại huyện Châu Thành
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được phát động với chủ đề của từng năm và tổ chức Lễ phát động với quy mô từ 500 - 600 người. Năm nay, do đại dịch Covid-19 nên tỉnh không tổ chức lễ phát động. Tuy nhiên, Sóc Trăng đã triển khai kế hoạch hướng đến các hoạt động truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động. Các sở, ban, ngành tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và doanh nghiệp tố chức tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động, treo băng rôn trước trụ sở làm việc của đơn vị với khấu hiệu “Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động vê an toàn, vệ sinh lao động năm 2020. 
Mặt khác, phát hành các ấn phẩm, tài liệu về an toàn, vệ sinh lao động tới doanh nghiệp, người lao động; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các sở, ban, ngành tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp tham khảo, sử dụng một số thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tố chức tuyên truyền, cố động trên địa bàn tỉnh thông qua hình thức treo băng rôn, pa nô, áp phích... trên một số trục đường chính tại trung tâm thành phố Sóc Trăng…
Tỉnh cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động (giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thành lập) tại các doanh nghiệp trong và sau Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động. Chú trọng thanh tra, kiểm tra việc xây dựng các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiểm định máy móc, thiêt bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động...
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét khen thưởng theo thẩm quyền cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh: Xây dựng, triển khai các hoạt động chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động để hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm của đơn vị, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, bám sát vào chủ đề của Tháng hành động. Cùng với đó, rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi cơ về an toàn, vệ sinh lao động đối với từng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, phát động các phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong các phân xưởng, tổ, đội; tổ chức các cuộc thi sáng kiến cải thiện điều kiện làm việc, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuyên dương, khen thưởng...
Các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thanh niên tại buổi lễ phát động Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Sóc Trăng năm 2019
Đẩy mạnh hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn lao động
Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; huấn luyện, hỗ trợ trang thiết bị nâng cao năng lực hệ thống kiểm định, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động; điều tra thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; kiện toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; triển khai áp dụng các hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề đang có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc. Triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn chuyên môn, tập huấn, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến nghề nghiệp; tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nghiệp vụ quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố có hại; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; Các hoạt động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục hậu quả bệnh nghề nghiệp.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về an toàn vệ sinh lao động. Nâng cao năng lực hoạt động huấn luyện, truyền thông, tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ mở rộng mạng lưới truyền thông viên về an toàn, vệ sinh lao động; triển khai huấn luyện, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc cho người sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc.
Tỉnh đã có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là các hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động; lồng ghép các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động với các Chương trình mục tiêu có liên quan khác./.
Dương Thìn