Xã hội
Hiệu quả trong công tác giảm nghèo tỉnh Đắk Nông
03:09 PM 29/09/2019
(LĐXH) – Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo đã được cải thiện rõ rệt, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương.

Tính đến cuối năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, số hộ nghèo của tỉnh Đắk Nông là 21.000 hộ với 95.000 nhân khẩu, chiếm 13,5% số hộ trên địa bàn tỉnh, giảm 5,7% so với kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016. Tỷ lệ giảm nghèo tại Đắk Nông luôn giảm trên 3% hàng năm, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 4%. Kết quả trên đã vượt chỉ tiêu do Nghị quyết HĐND tỉnh Đắk Nông đề ra là hàng năm giảm 2% hộ nghèo, riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo giảm 3%.

Nhằm hỗ trợ đầu tư công tác hạ tầng các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư 61 công trình giao thông, 35 trường học và 92 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đầu tư xây dựng mới 232 km đường, nâng tỷ lệ cứng hóa đường trên địa bàn Đắk Nông từ 53% lên 59%. Cán bộ xã và cộng đồng dân cư khu vực khó khăn được trang bị, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham gia xây dựng kế hoạch quản lý, giám sát các chương trình giảm nghèo. Qua các lớp tập huấn, cán bộ cấp xã, người dân đã nắm được công tác dân tộc, chính sách giảm nghèo bền vững; kiến thức, kỹ năng để sản xuất ra những sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tỷ lệ giảm nghèo tại Đắk Nông luôn giảm trên 3% mỗi năm
Ngoài việc thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương, Đắk Nông còn ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016-2020; Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020...
Đối với huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, huyện Đắk Glong được áp dụng cơ chế theo thực hiện Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn kinh phí ngân sách Trung ương đầu tư cho huyện là 14,7 tỷ đồng, đã xây dựng được 3 công trình đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh, gồm: đường giao thông liên thôn thôn 4 - 5 xã Đắk Hà; đường giao thông liên xã Đắk Som - Đắk R'Măng, đường giao thông vào Bệnh viện đa khoa huyện; 1 công trình để bảo đảm chuẩn hóa về giáo dục là trường THCS Quảng Hòa. Đến ngày 7/3/2018, theo Quyết định 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tỉnh Đắk Nông có 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là huyện Tuy Đức và Đắk Glong. Tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững đối với 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong giai đoạn 2019 - 2020.
Ngoài việc đầu tư hạ tầng ở huyện nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức về tổ chức sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người nghèo, xem đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm cải thiện sinh kế của Chương trình giảm nghèo bền vững. Vì vậy, trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Đặc biệt, trong năm 2017 đã triển khai lập 2 đề án quy hoạch lớn của tỉnh là: Quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng gắn liền với biến đổi khí hậu và quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong năm 2018, Đắk Nông tiếp tục chỉ đạo xây dựng và lập các đề án để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp như: Đề án sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 - 2020; đề án phát triển thủy sản Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong 3 năm qua, tỉnh cũng đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi về sản xuất ngô, đậu nành, chăn nuôi bò, heo, trồng tiêu, cà phê… Đồng thời, các huyện, thị cũng đã chủ động bố trí kinh phí để hỗ trợ các xã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Qua đó, đã xuất hiện thêm nhiều mô hình mới như: tưới công nghệ cao cho cây cà phê, trồng bơ trái vụ xen cây công nghiệp, nuôi dúi sinh sản, nuôi cừu, nuôi chim cút, nuôi heo công nghệ cao… góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Nhìn chung, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã cơ bản bao phủ được số hộ nghèo và địa bàn xã còn khó khăn; người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo; tăng cường nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức vay tối đa quy định. Đồng thời, riển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân trong công tác giảm nghèo.

Nam Khánh