Xã hội
Hiệu quả nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm
07:04 AM 30/01/2019
Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm (GQVL), giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn.
Mô hình chăn nuôi gà cho thu nhập cao ở xã Ban Công (Bá Thước).

Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất đồ mộc dân dụng của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa), anh cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu sản xuất nông nghiệp, kinh tế rất khó khăn. Sau khi tham quan và học nghề ở một số xã lân cận, anh về bàn với vợ đầu tư mở xưởng mộc dân dụng và nhận làm phần đồ gỗ cho các công trình xây dựng nhỏ trong xã và các địa phương khác trong huyện. Ban đầu xưởng của anh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và nhất là thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Được sự tư vấn, giới thiệu của hội nông dân xã, anh tham gia tổ tiết kiệm vay vốn và được vay số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của tỉnh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất ưu đãi 6%/năm. Nhờ nguồn vốn trên cộng với số tiền tích lũy của gia đình, anh chị đã đầu tư, trang bị thêm máy cưa, máy xẻ, máy chà gỗ và mua thêm gỗ để sản xuất. Nhờ vậy, xưởng mộc của gia đình có thể mở rộng sản xuất và nhận thêm nhiều công trình. Đến nay, trung bình mỗi năm, xưởng mộc đem về nguồn thu nhập cho gia đình từ 50-70 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong thôn với mức thu nhập trung bình từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, gia đình mong muốn được nâng mức vay và gia hạn thêm thời gian vay để có điều kiện mở rộng hơn nữa sản xuất của gia đình.

Cũng như gia đình anh Cường, gia đình bà Phùng Thị Quý, thôn 5, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2010 gia đình bà được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để chăn nuôi gà. Đến nay bà Quý đã là chủ trang trại gà nuôi gia công với quy mô trên 1.500 con. Bà Quý cho biết: Trước kia, tôi thường chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng gà không vượt quá trăm con vì lo giá cả biến động, dịch bệnh thất thường, việc đầu tư nuôi số lượng lớn là mạo hiểm với người làm nông như tôi. Năm 2010, thấy một số mô hình trang trại gà nuôi gia công ở địa phương phát triển, cho hiệu quả kinh tế, tôi đã mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH xây dựng chuồng trại và phát triển chăn nuôi. Nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và trở thành hộ khá của xã, không chỉ xây nhà tầng khang trang, sắm được ô tô mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động địa phương.

Với chức năng chuyên quản lý và cho vay các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã tận dụng nguồn vốn để giải ngân cho vay đến đối tượng cần vốn, triệt để sử dụng nguồn vốn của quỹ để cho vay, vì vậy, hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao. Chương trình cho vay GQVL đã góp phần giải quyết được nhiều việc làm, góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, đã hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động đặc biệt là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, người tàn tật, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, vẫn còn đó những trăn trở của nhà quản lý nguồn vốn GQVL. Đó là nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, hàng năm ngân sách Nhà nước bổ sung từ 300 đến 400 tỷ đồng nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp. Cơ chế điều hành vốn cũng đang còn bất cập. Việc phân cấp ra quyết định duyệt dự án và cho vay cũng cần phải giao cho cấp cơ sở thực hiện, vì mức cho vay không lớn, cấp Trung ương, cấp tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tập trung chỉ đạo, giám sát kiểm tra. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định cụ thể hơn về tiêu chí tăng lao động, tạo việc làm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình khi vay vốn; về xử lý nợ rủi ro đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói chung, đối với các đối tượng vay vốn giải quyết việc làm nói riêng cho phù hợp.

Ông Hoàng Văn Trung, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa) (LĐTB&XH) cho biết: Năm 2018, Sở LĐTB&XH phối hợp với NHCSXH tỉnh tổ chức thẩm định và cho vay hơn 1.500 dự án của người lao động và cơ sở sản xuất, kinh doanh từ Quỹ Quốc gia về việc làm (ước doanh số cho vay đạt trên 60 tỷ đồng), giúp duy trì và tạo việc làm cho 3.850 lao động. Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở LĐTB&XH phối hợp với NHCSXH tỉnh, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua nhiều hình thức để người dân biết quy trình vay vốn và đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Thực hiện tốt công tác tư vấn việc làm, định hướng cho vay, mục tiêu sử dụng vốn vay, giúp người lao động tìm được công việc phù hợp với khả năng. Tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn; cho vay đúng đối tượng, tạo điều kiện cho người vay và sử dụng vốn vay hiệu quả trong giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương.

Theo Báo Thanh Hóa