Xã hội
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Hà Nội
12:19 PM 20/11/2017
(LĐXH) - Sau 15 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Hà Nội đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội với chất lượng ngày càng được nâng cao; chỉ đạo triển khai mô hình quản lý tín dụng chính sách chặt chẽ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tổ chức có hiệu quả màng lưới hoạt động với sự hình thành của 7.500 tổ tiết kiệm và vay vốn, 561 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, qua đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với dịch vụ tín dụng ưu đãi một cách thuận lợi.

Trong 15 năm qua, vốn tín dụng ưu đãi giải ngân qua NHCSXH Thành phố với doanh số trên 21.000 tỷ đồng cho trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Hoạt động của điểm giao dịch cấp xã, được tổ chức giao dịch vào ngày cố định hàng tháng tại UBND xã, phường, thị trấn là mô hình đặc thù, sáng tạo riêng có của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), giúp chuyển tải vốn tín dụng chính sách kịp thời, hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tại các điểm giao dịch ở UBND các xã, phường, thị trấn đều công khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng để người dân biết và tham gia thực hiện. Thông qua đó, đã giúp nhân dân trên địa bàn tiếp cận dễ dàng với các chương trình tín dụng chính sách, tiết giảm chi phí, đảm bảo công khai, dân chủ và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể trong việc thực thi chính sách tín dụng.
Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp đến người vay, nhưng có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức Chính trị - xã hội, thực hiện bình xét cho vay các đối tượng công khai tại các tổ tiết kiệm và vay vốn dưới sự chứng kiến, giám sát của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho các hộ vay vốn tại các điểm giao dịch tại xã đã thể hiện rõ chủ trương “xã hội hoá hoạt động tín dụng chính sách”, thực sự phát huy hiệu quả và huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời, đã tạo một kênh dẫn vốn hiệu quả, kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. 
Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương, Kho Bạc nhà nước, đến nay, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, tổng dư nợ tín dụng đạt 6.192 tỷ đồng với trên 286 ngàn khách hàng vay vốn, tăng gấp 18 lần so với khi thành lập. Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố và các quận, huyện, thị xã là1.685 tỷ đồng với 03 chương trình tín dụng ưu đãi, chiếm tỷ trọng 27% trên tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ giảm từ 3,83% thời điểm mới thành lập xuống còn 0,07% thời điểm 30/9/2017. Trong 15 năm qua, vốn tín dụng ưu đãi giải ngân qua NHCSXH Thành phố với doanh số trên 21.000 tỷ đồng cho trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hàng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố, đã giúp cho gần 220 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 460 ngàn lao động; giúp cho trên 140 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo gần 430 ngàn công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo.
Nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ ở làng gốm cổ Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.
Có thể nói, trong 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã từng bước khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND về mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả đã đạt được, đồng thời, sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chi nhánh NHCSXH Thành phố, nhất là trong việc cân đối Ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung trong thời gian tiếp theo, thành phố Hà Nội đề nghị:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm ưu tiên bố trí vốn triển khai chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 06 triệu đồng/công trình lên 12 triệu đồng/công trình đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Việc thành lập NHCSXH triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, phù hợp với thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Với kết quả đạt được trong 15 năm qua, Thành phố Hà Nội tin tưởng rằng trong thời gian tới, NHCSXH nói chung và NHCSXH thành phố Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra./.
PV