Lao động
Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Trực Ninh
04:16 PM 27/10/2020
(LĐXH) – Những năm gần đây, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) đã phát huy hiệu quả. Chất lượng lượng lao động nông thôn trên địa bàn từng bước được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Huyện Trực Ninh có gần 18 vạn dân, trong đó 9,75 vạn người trong độ tuổi lao động. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh luôn chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch đào tạo nghề của UBND tỉnh và định hướng phát triển kinh tế của huyện, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, về vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, chính sách ưu đãi đối với lao động học nghề và các diện đối tượng học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ… qua đó nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của học nghề trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của huyện và các xã, thị trấn, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như điều kiện khả năng của người lao động, huyện mở các lớp đào tạo theo ngành nghề phù hợp.
Chăn nuôi lợn sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Trực Ninh
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong công tác dạy nghề và phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó, nhà quản lý đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Các trung tâm dạy nghề, các trường nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn; trong đó đẩy mạnh đào tạo nghề trong sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, nghề truyền thống. Huyện khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Hằng năm, huyện mở 13-15 lớp dạy nghề cho 600 lao động; trong đó phần lớn là lao động học nghề may công nghiệp; còn lại là lao động học các nghề nông nghiệp như: chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các trường trung cấp nghề trong tỉnh tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Các doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn cũng tổ chức truyền nghề cho hàng nghìn lao động. Sau khi được đào tạo nghề, truyền nghề, người lao động đều nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều nắm vững kiến thức và kỹ năng cơ bản được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tiếp nhận vào làm việc. Một số học viên sau khi được học nghề còn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Là một điểm sáng của huyện về thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã Liêm Hải có 11.045 khẩu, trong đó có gần 7.000 người trong độ tuổi lao động. Cùng với phát triển sản xuất, Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, cho người lao động.
Trên cơ sở Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của huyện Trực Ninh, hàng năm UBND xã chủ động xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động địa phương. Xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động trong cộng đồng dân cư; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của học nghề đối với tìm kiếm cơ hội việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập. UBND xã tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với lao động nông thôn gồm: chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, uốn tỉa cây cảnh, may công nghiệp, điện dân dụng…
Hàng năm, xã đều mở từ 3-5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, mỗi lớp từ 30-35 học viên. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên mỗi năm tổ chức 5-7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 150-200 lao động; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao… Sau khi học nghề, nhiều học viên đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.
Chị Đỗ Thị Hồng Cậy (44 tuổi) xóm 8 Trực Hải, sau khi tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật trồng trọt, năm 2018 chị đã tìm hiểu và xây dựng mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi. Chị Cậy cho biết: Sau bước đầu thành công, chị đã mở rộng quy mô để đảm bảo sản lượng cung cấp cho các đại lý. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình chị xuất bán trên 15 tấn ấu trùng, sau khi trừ các chi phí lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm.
Cùng với các lớp học do xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, nhiều cá nhân và cơ sở sản xuất ở xã Liêm Hải đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Anh Nguyễn Thế Chiều, chủ cơ sở sản xuất thiết bị chế biến thực phẩm Thế Chiều, đảng viên chi bộ 7 cho biết: Năm 1999, anh đầu tư sản xuất máy bún, phở. Trong quá trình sản xuất, cơ sở thường xuyên tổ chức đào tạo, truyền nghề nhằm nâng cao tay nghề cho công nhân. Nhờ đó, cơ sở luôn đảm bảo về chất lượng tay nghề của thợ; hơn 40 công nhân làm việc tại cơ sở ổn định mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Nghề may công nghiệp giúp nhiều người dân trên địa bàn có việc làm phù hợp
Ở xóm 3 Trực Liêm, cơ sở may của chị Vũ Thị Huệ tạo việc làm cho hơn 10 công nhân với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, chị Huệ đã cùng các công nhân có thâm niên tại cơ sở nhận đào tạo nghề may cho nhiều phụ nữ tại địa phương. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên có thể lựa chọn tiếp tục làm việc tại cơ sở của chị Huệ hoặc tự mở cửa hàng may tại nhà.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp đang hoạt động, mỗi doanh nghiệp tạo việc làm cho từ 10-50 lao động… Để khuyến khích các gia đình phát triển kinh tế, xã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay của Quỹ tín dụng nhân dân Liêm Hải đạt trên 40 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt dư nợ trên 25 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội đạt dư nợ khoảng 20 tỷ 500 triệu đồng và Quỹ TYM với dư nợ 2,1 tỷ đồng.
Với sự tập trung chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Liêm Hải đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ người lao động được đào tạo, dạy nghề của xã đạt 65%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 1,61%./.
Hưng Cảnh