Xã hội
Hiệu quả của mô hình Cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn
09:03 AM 27/11/2021
(LĐXH) - Sau 09 năm hoạt động, Cơ sở Phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí (RNTT) tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã giúp các trường hợp RNTT và bệnh tâm thần trong huyện được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại Trung tâm; Giảm tải bệnh nhân mắc các bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, tự kỷ, chậm phát triển... lên các bệnh viện tuyến trên.
Tháng 7/2012, UBND Quảng Ninh phê duyệt Đề án “Thí điểm mô hình Cơ sở phòng và trị liệu RNTT tại huyện Vân Đồn” với mục tiêu hình thành các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm trí tại Bệnh viện đa khoa huyện Vân Đồn (nay là Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn) để đảm bảo phục vụ nhu cầu bệnh nhân RNTT, bệnh nhân tâm thần trên địa bàn huyện Vân Đồn.
Trong giai đoạn năm 2012 – 2014, mô hình thí điểm Cơ sở phòng và trị liệu RNTT tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn được hình thành và đưa vào vận hành, gồm có 10 phòng chức năng, gồm: Phòng tiếp đón; Phòng khám thực thể và tâm trí; Phòng giao ban chuyên môn y tế và công tác xã hội… Các dịch vụ chính của mô hình là: Khám sàng lọc sử dụng các công cụ sàng lọc và các phương pháp đánh giá phù hợp nhằm phát hiện các vấn đề về RNTT/bệnh tâm thần; Thực hiện chẩn đoán xác định RNTT/bệnh tâm thần; Tiếp nhận cấp cứu tâm thần 24/24 giờ; Thực hiện điều trị nội trú (không quá 5 ngày) các trường hợp nặng có chỉ định theo dõi chuyên môn thường xuyên bởi nhân viên y tế; Thực hiện chuyển tuyến lên bệnh viện chuyên khoa các trường hợp nặng…

Hoạt động trị liệu cho trẻ tự kỷ tại Cơ sở phòng và trị liệu RNTT – Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn

Đội ngũ bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế của Cơ sở được tham gia các khóa tập huấn về khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị người RNTT nhóm bệnh phổ biến và bệnh nhân tâm thần nhóm tâm thần phân liệt theo đúng quy trình thực hành lâm sàng chuẩn xây dựng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới dành cho bệnh viện đa khoa và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cơ sở cũng đã tổ chức 03 khóa tập huấn cho gần 150 lượt cộng tác viên y tế thôn bản, cộng tác viên xã hội tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện về dấu hiệu nhận biết cũng như cách chăm sóc RNTT ở người lớn (trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ) và trẻ em (trẻ tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ)… để chuẩn bị tốt nhất cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, RNTT cho người bệnh sau này.
Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về người tâm thần, RNTT cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2012 – 2020, Cơ sở đã tổ chức 03 buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người dân về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT dựa vào cộng đồng; In và phát gần 45.000 tờ rơi cho 12 xã trên địa bàn huyện để tuyên truyền cho người dân về nhận biết RNTT ở người lớn và trẻ em để người dân chủ động cho người thân tới khám khi nghi ngờ có biểu hiện RNTT tới khám để dự phòng và  can thiệp sớm về RNTT.
Thời gian qua, Cơ sở phòng và trị liệu RNTT tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đã thực hiện khám sàng lọc tại cộng đồng cho 7.502 đối tượng, trong đó: 236 người có biểu hiện RNTT, hỗ trợ phục hồi chức năng cho 188 người tâm thần, RNTT (khi phát hiện người có biểu hiện RNTT, cán bộ của Cơ sở đều tư vấn cho người bệnh đến Cơ sở để khám, tư vấn tâm lý và điều trị thuốc). Bên cạnh đó, khám sàng lọc 3.973 bệnh nhân ở các khoa phòng liên quan trong Trung tâm bao gồm: 273 đối tượng nghiện chất đang được điều trị ở phòng khám và điều trị ngoại trú; 1.337 phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ của khoa Sản; 1.112 trẻ em tại khoa Nhi và 1.250 bệnh nhân từ phòng khám RNTT hoặc tự đăng ký khám tại Cơ sở; Qua khám sàng lọc, có 1.465  bệnh nhân cần tư vấn dự phòng và can thiệp sớm.
Đối với hoạt động trị liệu- phục hồi chức năng người tâm thần, người RNTT, Cơ sở thực hiện trị liệu cho 604  bệnh nhân RNTT gồm trị liệu bằng thuốc và tâm lý, trong đó: 72 trẻ em (thể tự kỷ, chậm phát triển ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ); 534 người lớn (trầm cảm, lo âu).
Cán bộ của Cơ sở đã tham gia tư vấn chăm sóc sức khỏe tâm trí cho gần 700 người; tư vấn chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bà mẹ và trẻ em gần 200 người; kết hợp với các bác sỹ tại khoa khám bệnh tư vấn chuyển tuyến cho 342 bệnh nhân bị RNTT nặng lên Bệnh viện Chăm sóc sức khỏe tâm thần tỉnh và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Trong quá trình triển khai các dịch vụ của mô hình tại Trung tâm cũng như ngoài cộng đồng, các cán bộ của Cơ sở luôn thực hiện nguyên tắc làm việc theo nhóm tức là đồng thời có bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên công tác xã hội trong suốt quá trình sàng lọc tư vấn và trị liệu cho bệnh nhân. Cán bộ của mô hình luôn nhận được sự phối hợp của bác sĩ các khoa trong Trung tâm cũng như các cán bộ của trạm y tế. Các bệnh nhân khi sử dụng các dịch vụ của mô hình luôn có thái độ hợp tác, đồng thuận.
Có thể nói, sau 09 năm hoạt động, Cơ sở Phòng và trị liệu RNTT tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đã giúp các trường hợp RNTT và bệnh tâm thần trong huyện được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại Trung tâm; Giảm tải bệnh nhân mắc các bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, tự kỷ, chậm phát triển... lên các bệnh viện tuyến trên. Hoạt động của Đề án cũng đã từng bước xây dựng và hình thành dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm trí tại tuyến huyện, đáp ứng được nhu cầu của người dân ở cộng đồng góp phần cụ thể hoá nội dung của Đề án 1215 (trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT dựa vào cộng đồng)./.
Hưng Cảnh