Xã hội
Hiệu quả công tác giảm nghèo ở huyện Thuận Bắc
10:29 AM 02/02/2021
(LĐXH) - Huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) có 6 xã, trong đó, có 5 xã thuộc vùng khó khăn, gần 70% dân số là đồng bào Raglai và Chăm sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Để thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị đối thoại hàng năm, nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có hướng điều chỉnh, triển khai các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế.

Trong năm 2020 vừa qua, huyện đã tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội bảo đảm đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót, khiếu nại. Riêng dịp tết Nguyên đán Canh Tý, huyện đã kịp thời hỗ trợ gạo với số lượng 2.456/11.180 khẩu số lượng gạo 167.700kg. Quà Chủ tịch nước, Chủ tịch tỉnh cho các đối tượng có công các mạng, hộ nghèo, bảo trợ xã hội với số tiền trên 1 tỷ đồng; tiếp nhận quà của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số lượng 8.693 suất/tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, phân bổ về các xã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách và gia đình khó khăn.

Hạ tầng cơ sở tại chỗ được đầu tư, giao thương, đi lại thuận lợi giúp người dân có thêm cơ hội việc làm, giảm nghèo

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 30/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện, nhằm tiếp sức, đồng hành cùng với quá trình giảm nghèo tại địa phương, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện luôn phát huy tốt vai trò chủ lực, triển khai linh hoạt các giải pháp cho vay tín dụng đảm bảo kế hoạch đề ra. Để chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi; bên cạnh thiết lập mạng lưới giao dịch tại các xã, công tác phối hợp giữa Phòng giao dịch với chính quyền cơ sở và các hội, đoàn thể nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ; quy trình thẩm định hồ sơ, thủ tục cho vay vốn được rút ngắn… Các chính sách cho vay tín dụng được quan tâm triển khai thực hiện, đã giải ngân cho 1.821 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, với số tiền trên 70 tỷ đồng. Trong đó: vốn vay ưu đãi hộ nghèo 352 lượt hộ với số tiền 14,435 tỷ đồng, hộ cận nghèo 275 lượt hộ, số tiền trên 12,695 tỷ đồng; hộ thoát nghèo 203 lượt hộ, với số tiền 11,390 tỷ đồng; Giải quyết cho 16 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học, số tiền trên 798 triệu đồng; vay giải quyết việc làm 35 hộ, số tiền trên 1,727 tỷ đồng; vay xuất khẩu lao động là 01 lao động với số tiền là 115 triệu đồng. Ngoài ra, các chính sách như; y tế, giáo dục, giải quyết việc làm cũng được quan tâm đúng mức. Trong năm, huyện Thuận Bắc cũng đã cấp 29.487 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ dân sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Các chính sách hỗ trợ về giáo dục được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, đối tượng. Phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu tạo việc làm, tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động. Qua đó tạo việc làm mới cho 1.150 lao động trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động 03 lao động. Tổ chức 09 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 282 lao động, chủ yếu là các nghề nông nghiệp.

Đời sống của người dân đã dần được cải thiện

Thông qua triển khai đồng bộ các chương trình, hoạt động, bình quân hàng năm huyện Thuận Bắc đã giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 3,99%, năm 2020, tỷ lệ giảm nghèo của huyện là 4,32%. Nhờ vậy, đời sống của người dân cũng đã và đang có những chuyển biến đáng kể.

Trong năm 2021, huyện tiếp tục chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân không còn tư tưởng trông chờ quá nhiều vào hỗ trợ của Nhà nước. Đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn hỗ trợ và giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận mô hình sản xuất mới, tạo việc làm. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 3,72%, thực hiện đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội của địa phương. Trước mắt, địa phương tập trung tuyên truyền cho người nghèo nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về giảm nghèo, nhất là đối với xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch giảm nghèo cho năm tiếp theo.

Trần Huyền