Xã hội
Điện Biên phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 30,67% vào cuối năm 2020
04:58 PM 02/12/2020
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Điện Biên giảm từ 48,14% (đầu năm 2016) xuống còn 30,67% vào cuối năm 2020 (giảm 17,47%).
Theo kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, Điện Biên còn 57.214 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 48,14%) và 9.135 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,69%). Thống kê phân loại hộ nghèo của cơ quan chuyên môn, cho thấy, dân tộc Mông có số hộ nghèo cao nhất tỉnh (28.951 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50,60% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh). Tiếp đến là dân tộc Thái với 20.174 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,26% tổng số hộ nghèo; dân tộc Khơ Mú có 3.052 hộ nghèo, chiếm 5,33%; các dân tộc thiểu số khác có 2.754 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,81% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Ngay như đồng bào dân tộc Kinh vẫn được tiếng là năng động trong phát triển kinh tế, cũng có 868 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,52% tổng số hộ nghèo.
Hộ nghèo huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước
Theo quy định phân loại huyện nghèo của Chính phủ, Điện Biên có 7 huyện nghèo (trong đó, có 5 huyện nghèo nhóm 1 gồm các huyện thuộc Chương trình 30a và 2 huyện nghèo nhóm 2); toàn tỉnh có 103/130 xã, phường, thị trấn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Thời điểm triển khai Chương trình 30a, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 48,14% (57.214 hộ) và 9.135 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 7,69%); đời sống của đại bộ phận người dân vùng sâu, vùng biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà... hết sức khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Điện Biên, cho biết: Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự nỗ lực của chính quyền các địa phương và sự đồng thuận của người dân, các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững đều được triển khai thuận lợi, hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả an sinh xã hội.
Đặc biệt, để cụ thể hóa các quy định để triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn hiệu quả, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt chương trình giảm nghèo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020; giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phù hợp; đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải ban hành kế hoạch, nghị quyết của địa phương thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Dựa trên điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành các văn bản: Nghị quyết quy định tiêu chí, định mức phân bổ vốn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ một số nội dung sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác; Nghị quyết quy định mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT và chi phí cùng chi trả sử dụng thuốc kháng virut HIV đối với người nhiễm HIV/AIDS; Nghị quyết quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động của tỉnh Điện Biên đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh...
Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn, khẳng định: Công cuộc xóa đói giảm nghèo nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng được lòng dân đồng thuận, sức dân được phát huy, họ thực sự làm chủ làng bản quê hương mình, mọi việc đều được người dân vào cuộc, từ kế hoạch cho đến triển khai thực hiện. Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững không gì khác nhằm tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn, bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng thôn bản an toàn và hạnh phúc. Người dân không chỉ thực hiện mà còn được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và cuối cùng chính họ là đối tượng thụ hưởng những gì mà Chương trình mang lại. Còn nhớ khi phác thảo quy hoạch tổng thể xây dựng Chương trình, bàn đến mục tiêu nào cũng thấy khó. Nhưng rồi như mọi người đều biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành liên quan, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như các cơ quan hữu trách địa phương.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Điện Biên giải ngân vốn vay cho hộ nghèo phát triển kinh tế
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sinh hoạt của các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn; người dân được hỗ trợ phát triển sinh kế; lao động nông thôn được đào tạo, giới thiệu việc làm.
Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 30a, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã; cấp điện nông thôn cho 5 huyện nghèo nhóm 1; 32 công trình cho 2 huyện nghèo nhóm 2 là Mường Chà và Tuần Giáo.
Các dự án, tiểu dự án phát triển sinh kế đã hỗ trợ 1.293 lượt hộ, cộng đồng dân cư khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất; hỗ trợ 1.483 lượt hộ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang; hỗ trợ 10.347 hộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao...
Ðối với Chương trình 135, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 259 công trình; hỗ trợ 5.774 con trâu, bò cho hơn 8.000 hộ; 53.366 con gia cầm cho 692 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp cho 771 hộ; hỗ trợ 1.035 máy móc, thiết bị; hỗ trợ 3 hợp tác xã liên kết tiêu thụ dứa, dong riềng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Có thể nói, trong 5 năm (2016 - 2020) triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh Điện Biên, phong trào đã phát huy hiệu quả tích cực, chuyển biến nhận thức của chính hộ nghèo trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo cùng chung tay, góp sức. Công tác giảm nghèo của tỉnh được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả tích cực.

Chí Tâm