Nghiên cứu - trao đổi
Hệ thống chăm sóc xã hội ở Việt Nam – Hiện tại và tương lai
09:10 AM 25/11/2016
Chăm sóc xã hội (CSXH) là một trong 3 hợp phần của chính sách trợ giúp xã hội (trợ cấp tiền mặt, cứu trợ khẩn cấp và CSXH), là hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) chăm sóc sức khỏe tinh thần cho những người bị khủng hoảng, rối loạn hay mất cân bằng tạm thời hay lâu dài về mặt tâm lý; nuôi dưỡng chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và cung cấp các dịch vụ khác.
Việc cung cấp dịch vụ diễn ra ở cộng đồng hoặc cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH), nhưng ở cộng đồng là chủ yếu và do cá nhân hay tổ chức thực hiện. CSXH gồm 3 cấu phần chính (i) cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và dịch vụ công tác xã hội (CTXH) có tính chất chuyên môn, chuyên sâu ở cộng đồng, bệnh viện, trường học; (ii) cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng  và dịch vụ CTXH có tính chất chuyên môn, chuyên sâu ở cơ sở TGXH, nhà xã hội; (iii) Kết hợp cả hai hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng bán trú và các hình thức trợ giúp khác.
Thực trạng chăm sóc xã hội
Theo các nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính Việt Nam có khoảng 20% dân số có nhu cầu cung cấp dịch vụ CSXH. Nhưng nhu cầu này chưa được “đánh thức” do nhận thức, khả năng chi trả về mặt tài chính có hạn, do dịch vụ CTXH và CSXH chưa phát triển; do cơ chế chính sách của Nhà nước về CSXH còn nhiều khoảng trống. Do vậy, số người được nhận dịch vụ CSXH còn thấp. Tính đến tháng 12/2014, cả nước có 2,69 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, trong đó chỉ có 171.126 người thuộc diện được hưởng trợ cấp CSXH, bao gồm: 18.615 gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; 22.939 hộ gia đình có từ 02 người khuyết tật nặng trở lên ; 125.593 người đơn thân thuộc diện hộ nghèo nuôi con dưới 16 tuổi; 3.997 người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động; 41.434 người được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 11.365 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, 4.723 người cao tuổi cô đơn, 8.218 người khuyết tật nặng, 10.438 người tâm thần, 1.421 người nhiễm HIV/AIDS và 5.269 đối tượng khác.
Ước tính Việt Nam có khoảng 20% dân số có nhu cầu cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội
Cả nước có 402 cơ sở TGXH, với 15.322 cán bộ, nhân viên (bình quân 36 người/cơ sở) nuôi dưỡng, chăm sóc 41.434 đối tượng bảo trợ xã hội (bình quân 103 đối tượng/cơ sở), trong đó có 189 cơ sở TGXH ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 47%, hầu hết với quy mô nhỏ, chăm sóc dưới 50 đối tượng. Tính đến 6/2015 cả nước đã có 34 trung tâm CTXH cấp tỉnh, trong đó 07 Trung tâm CTXH trẻ em; 134 Văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện; 2.355 điểm tham vấn cộng đồng; 4.203 điểm tham vấn trường học được thành lập và đi vào hoạt động. Tổng số cán bộ, nhân viên hiện đang làm việc tại các Trung tâm CTXH là 778 người (21 người/1 trung tâm) trong đó nữ là 546 người, chiếm tỷ lệ 70,18%, nhưng đa phần là mới chuyển đổi từ cơ sở bảo trợ xã hội sang trung tâm CTXH. Ngoài ra còn có một số nhà xã hội, cơ sở dưỡng lão, nhà chăm sóc bán trú dành cho trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và một số mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chỉnh hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc người già tại gia đình và chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện. Tổng kinh phí  đầu tư cho CSXH (bao gồm cả Nhà nước và tư nhân) năm 2014 ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,035% tổng GDP).
Việc phát triển hệ thống CSXH hiện đang gặp nhiều thách thức, như: nhận thức về chính sách CSXH còn rất hạn chế. Ở Việt Nam, các khái niệm về CSXH chưa được thống nhất và hiểu đúng. Đa số quan niệm rằng CSXH chỉ đơn thuần là hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội mà chưa thấy hết được vai trò vị trí và tầm quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và cung cấp dịch vụ CTXH có tính chất chuyên môn, chuyên sâu ở cộng đồng. Khung luật pháp, chính sách CSXH chưa toàn diện và đầy đủ cho việc hành nghề và cung cấp dịch vụ chăm sóc có chuyên môn sâu ở cơ sở TGXH, bệnh viện, trường học, tòa án và ở cộng đồng. Vai trò, quyền hạn của cán bộ CTXH trong các hoạt động chuyên môn chưa được quy định cụ thể. Chưa có quy định danh mục, tiêu chuẩn chất lượng, định mức chi phí, quản lý và kiểm soát việc triển khai dịch vụ. Chính sách CSXH chưa chú ý đến hiệu quả kinh tế xã hội, bởi vì chi phí cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng một đối tượng ở cơ sở TGXH cao hơn rất nhiều so với chăm sóc ở cộng đồng, tổng chi phí cao hơn khoảng gấp 10 lần. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng ở cộng đồng thường cho kết quả tốt hơn do đối tượng được ở trong môi trường gần gũi để họ có thể hoà nhập và phát triển tốt nhất. Hệ thống chính sách CSXH thiếu tính đồng bộ và chưa chú ý đến xu hướng tăng cường cung cấp dịch vụ tại cộng đồng. Các văn bản dưới luật hiện hành chưa chú ý đến quy định liên quan đến khuyến khích chăm sóc thay thế tại gia đình, cộng đồng và coi đó là biện pháp hàng đầu, nếu không thực hiện được mới đưa vào cơ sở TGXH. Các chính sách vẫn chỉ tập trung nhiều về các chế độ trợ cấp xã hội mà chưa có chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc tiếp cận các dịch vụ CSXH có tính chất chuyên môn, chuyên sâu như chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý và hoà nhập xã hội và vẫn có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ tại cơ sở TGXH.
Bên cạnh đó, mức chuẩn trợ trợ cấp hiện nay chỉ bằng 20% mức sống tối thiểu và bằng 35% chuẩn nghèo, chưa phù hợp và khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Việc phát triển cơ sở TGXH vẫn chưa có quy hoạch tổng thể, mang tính tự phát ở nhiều địa phương, có nơi có nhiều cơ sở và ngược lại. Xu hướng đầu tư vào cơ sở chăm sóc tập trung vẫn đang tồn tại và cách tiếp cận này đang đi ngược xu hướng của cộng đồng quốc tế. Quản lý cơ sở TGXH, đặc biệt là cơ sở ngoài công lập chưa chặt chẽ. Việc tiếp nhận đối tượng vào các cơ sở, nhất là trẻ em chưa được quản lý và đánh giá của cán bộ CTXH, có thể dẫn đến không đáp ứng được đúng nhu cầu và các quyền của trẻ em cũng như có nguy cơ vi phạm quyền trẻ em. Hệ thống các trung tâm CTXH mới được thành lập, đặc biệt với những trung tâm được chuyển đổi từ cơ sở BTXH sang, các dịch vụ chăm sóc còn nghèo nàn. Cơ sở được coi là hoạt động tốt nhất cũng chỉ cung cấp được 7 đến 9 loại hình dịch vụ và chủ yếu là ở cấp độ đáp ứng nhu cầu cơ bản như nuôi ăn, ở, mặc, chăm sóc y tế, giáo dục cơ bản và nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền tại chỗ... Các dịch vụ chuyên sâu khác về CTXH như tham vấn và hỗ trợ tâm lý, trị liệu tâm lý, quản lý ca, tái hoà nhập cộng đồng hầu hết vẫn chưa được thực hiện. Chính sách phụ cấp tiền lương cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc tại các cơ sở TGXH cũng chưa phù hợp và còn có sự khác biệt về phụ cấp lương giữa cán bộ cùng một chức danh làm việc trong lĩnh vực lao động - xã hội so với lĩnh vực y tế hay giáo dục. Chưa có văn bản của cấp tỉnh hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của các cơ sở xã hội nuôi dưỡng dưới 10 đối tượng theo quy định của Chính phủ. Việc cung cấp dịch vụ tại các nhà xã hội, cơ sở chăm sóc bán trú tuy có nhưng với số lượng rất ít (5 nhà xã hội và 7 cơ sở chăm sóc bán trú) và quy mô nhỏ nên chưa đáp được nhu cầu của các đối tượng xã hội. Các văn phòng tư vấn, điểm tham vấn cộng đồng cung cấp dịch vụ cho trẻ em  mới hình thành và đi vào hoạt động nhưng lại chưa có thông tin theo dõi đánh giá nên không có số liệu cụ thể. Việc theo dõi, đánh giá về tình hình hoạt động của các cơ sở TGXH chưa có hệ thống và toàn diện, vẫn chỉ đơn thuần là thống kê số lượng, phân loại đối tượng, kinh phí mà chưa có các thống kê, phân tích, đánh giá sâu về tình hình cung cấp dịch vụ và chất lượng các loại hình dịch vụ. Việc triển khai cung cấp dịch vụ CSXH ở cộng đồng hầu như chưa được quan tâm nên các dịch vụ và kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Hầu hết các dịch vụ CSXH có tính chất chuyên môn và chuyên sâu chưa được triển khai thực hiện ở cộng đồng. Chưa có cơ chế và chính sách phù hợp khuyến khích khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ CSXH.
Khuyến nghị cho tương lai
Một là, cần thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ liên quan như: đối tượng TGXH thay thuật ngữ đối tượng BTXH, chính sách trợ cấp tiền mặt thay cho chính sách trợ giúp thường xuyên; nên sử dụng khái niệm CSXH (social care) và xác định đó là một cấu phần quan trọng của TGXH; thống nhất thuật ngữ về  nhân viên CTXH, nhân viên chăm sóc.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về dịch vụ CSXH, cụ thể như: Ban hành văn bản về danh mục dịch vụ, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí cung cấp dịch vụ CSXH nhằm đảm bảo không có sự phân biệt trong cung cấp dịch vụ với những đối tượng thuộc diện Nhà nước trợ cấp, trợ giúp tại cơ sở công lập hay ngoài công lập. Hoàn thiện khung pháp lý về hành nghề CTXH, cấu trúc tổ chức và thực hành cung cấp dịch vụ CSXH, vị trí việc làm và hoạt động của nhân viên CTXH cũng như trình độ đào tạo.
Việt Nam cần xây dựng Luật Công tác xã hội, trong đó cần chú trọng vào cấu trúc tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH; Cần sửa đổi Nghị định 68/2008/NĐ-CP theo hướng điều chỉnh phương thức hoạt động đảm bảo bao gồm cả mô hình trung tâm CTXH và hướng tới dịch vụ tại cộng đồng nhiều hơn. Cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 136 theo hướng đơn giản về đối tượng thụ hưởng và mức trợ cấp xã hội, đồng thời, phải có định mức kinh phí phù hợp cho dịch vụ chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, chăm sóc tâm lý xã hội, điều trị chuyên biệt khi cần thiết cho các đối tượng cần sự trợ giúp. Cũng cần phải phân biệt rõ ràng chính sách trợ cấp cho đối tượng TGXH và cho người chăm sóc (ở cộng đồng). Cần nâng mức trợ cấp xã hội cho đối tượng sống ở cộng đồng lên ngang bằng hoặc cao hơn mức trợ cấp cho đối tượng ở cơ sở TGXH để tạo cơ chế khuyến khích đối tượng sống ở cộng đồng. Thường xuyên cập nhật điều chỉnh mức trợ cấp nuôi dưỡng các đối tượng và trợ cấp chăm sóc bảo đảm sát với mức sống tối thiểu của người dân và phải bảo đảm chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của các nhóm đối tượng theo giá cả thị trường, khi chỉ số giá cả (CPI) tăng trên 10%. Cần sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đối với cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở TGXH, nhất là tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS. Nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế chi trả chi phí cung cấp dịch vụ theo định mức Nhà nước ban hành cho các cơ sở cung cấp dịch vụ TGXH công lập và ngoài công lập, bảo đảm công bằng và minh bạch. Nghiên cứu hình thành cơ chế khuyến khích khu vực ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ CSXH như chính sách Nhà nước ”mua” các dịch vụ này hoặc các chế độ ưu đãi dành cho các đơn vị tham gia.
Ba là, chú trọng phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CSXH hướng về cộng đồng.
Bốn là, ohát triển nguồn nhân lực CSXH bao gồm cả đào tạo và sử dụng hợp lý (cả nhân viên công tác xã hội và nhân viên chăm sóc), khắc phục tình trạng đào tạo không gắn với sử dụng. Phấn đấu đến năm 2030 cứ 1000 dân có một nhân viên  CTXH và 2 nhân viên CSXH.
Năm là, tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở TGXH.
Sáu là, truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của cộng đồng xã hội.
TS. Nguyễn Hải Hữu