Xã hội
Hải Phòng quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng
09:30 AM 13/09/2021
(LĐXH) Luôn biết ơn những người có công với cách mạng (NCC), với dân tộc để đất nước ta có ngày hôm nay, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân thành phố Hải Phòng ngày càng quan tâm, chăm lo tốt hơn đến đời sống NCC, cả về vật chất và tinh thần. Đó không chỉ là sự tri ân, còn là sự trân trọng, ghi nhận những đóng góp của một thế hệ vì độc lập, tự do của dân tộc.
Hải Phòng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đã có hàng vạn người con quê hương Hải Phòng lên đường tòng quân, nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Hiện nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng có gần 30 nghìn liệt sỹ; gần 11.580 thương binh; 2.690 bệnh binh; hơn 7000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp; 2.569 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 65 Mẹ còn sống).
Những năm qua, các cấp, các ngành của thành phố luôn quan tâm chăm lo  cho NCC với cách mạng cả về vật chất và tinh thần. Sự kiện kỷ niệm ngày 27/7 hàng năm là mốc thời gian cao điểm trong năm để các cấp, các ngành và nhân dân thành phố tổ chức các hoạt động tri ân nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

-          Chủ tịch  UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ly

tại Thôn Cách Thượng, xã Nam Sơn, huyện An Dương.

Có thể nói, từ năm 2016 đến nay thành phố Hải Phòng luôn là điểm sáng của phong trào Đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách người có công với cách mạng, liên tục là địa phương có mức quà tặng cao nhất trong cả nước cho gia đình chính sách người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.  Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ, thành phố đã tặng quà cho 46.036 NCC và thân nhân liệt sĩ với mức quà 4.498.000 đồng/người (trong đó quà tiền mặt là 4.300.000 đồng và túi quà hiện vật trị giá 198.000 đồng) với tổng kinh phí trên 207,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố còn tặng quà tập thể cho 03 cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh; 36 gia đình chính sách tiêu biểu, 3 Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh nặng trị giá 158 triệu đồng. Tổng cộng, dịp 27/7/2021 có trên 91 nghìn lượt NCC của Hải Phòng được nhận quà với tổng kinh phí trên 220,93 tỷ đồng, tăng 112,94% so với dịp 27/7/2020.
Công tác giám định người nghi nhiễm chất độc hóa học, giải quyết hồ sơ công nhận liệt sĩ, điều dưỡng sức khỏe… cũng được đẩy nhanh, làm mạnh, không để tồn đọng trường hợp nào đủ điều kiện công nhận mà không được xem xét, chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Thực hiện Pháp lệnh số 04 về ưu đãi đối với NCC với cách mạng, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, từ năm 2013 đến nay, Ngành LĐTBXH thành phố Hải Phòng đã tiếp nhận hồ sơ xác nhận mới và giải quyết chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng đối với trên 50.000 người, trong đó: gần 30.000 trường hợp thờ cúng liệt sĩ; giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho trên 3.500 người (gồm: 1.411 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 1.586 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 243 hồ sơ được Thủ tướng Chính phủ xác nhận là liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công, 300 hồ sơ thương binh được vào hạng chủ yếu do Quân đội chuyển đến để thực hiện chế độ); giải quyết trợ cấp một lần cho 17.500 người.
Ngành LĐTBXH thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng cho gần 29.000 đối tượng NCC và thân nhân với tổng kinh phí 313,066 tỷ đồng. Mua thẻ bảo hiểm y tế bằng nguồn ngân sách Trung ương và thành phố cho 97.550 NCC và thân nhân của họ, Cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh.....với tổng kinh phí 79,991 tỷ đồng.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở LĐTBXH Hải Phòng đã thực hiện trên 2.100 thủ tục hành chính, qua đó giải quyết chính sách cho gần 12.000 trường hợp; Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 7.004 trường hợp; Công nhận, đề nghị công nhận 145 NCC.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới, sửa nhà ở cho người có công với cách mạng tại Hải Phòng được thành phố xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là chính sách an sinh xã hội giúp người có công với cách mạng nâng cao chất lượng cuộc sống. Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách  hỗ trợ xây mới, sửa chữa  nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Theo Nghị quyết 32, từ 100% kinh phí là ngân sách thành phố, thành phố tiếp tục hỗ trợ gia đình người có công bằng tiền mặt theo mức hỗ trợ quy định tại Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ (40 trđ/hộ đối với hộ xây mới; 20 trđ/hộ đối với hộ sửa chữa); đồng thời thành phố hỗ trợ thêm vật liệu là gạch, xi măng giúp gia đình người có công có điều kiện xây dựng, cải tạo nhà ở chắc chắn hơn.
Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 32/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố đến nay, trên cơ sở đề nghị của các quận, huyện và Sở Xây dựng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định, và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí hỗ trợ 23.185  hộ gia đình người có công xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở. Riêng đối với Nghị quyết 32, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định 10.811 hộ, đến nay, thành phố đã bố trí 287,480 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ bằng tiền mặt và 71,92 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ bằng xi măng, gạch. Nhờ đó, nhiều gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn đã có nơi ở khang trang hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Với việc đẩy mạnh các phong trào tình nghĩa, đến nay đã có toàn bộ 217/217 xã, phường, thị trấn của thành phố Hải Phòng (đạt 100%) được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân địa phương nơi cư trú, không còn hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo.
Nhìn vào những nỗ lực của thành phố mới thấy, đó không đơn thuần là sự quan tâm theo chế độ chính sách, còn là tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo và nhân dân thành phố tri ân, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn đến các thế hệ cha ông. 
Quang Tuấn