Giáo dục - Nghề nghiệp
Hải Phòng đẩy mạnh thực hiện mô hình giáo dục nghề nghiệp gắn kết với doanh nghiệp
04:51 PM 27/04/2023
(LĐXH)-Nhằm phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 09/10/2018 về việc đẩy mạnh hợp tác giữa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2030.
Theo đó, đã có nhiều hình thức hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được triển khai như: Cơ sở GDNN đào tạo theo  đặt hàng của doanh nghiệp (về ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo, số lượng người học được tuyển dụng sau tốt nghiệp…); doanh nghiệp tiếp nhận người  học thực tập tại doanh nghiệp, tiếp nhận nhà giáo tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp; doanh nghiệp cử cán bộ tham gia các hoạt động GDNN (giảng dạy; hướng dẫn thực tập cho người học; đánh giá kết quả học tập của người học; xây dựng chương trình đào tạo; thẩm định chương trình đào tạo; xây dựng giáo trình đào tạo; thẩm định giáo trình đào tạo…); doanh nghiệp cấp học bổng cho người học; doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, nguyên vật liệu thực hành, thực tập cho cơ sở GDNN; người lao động tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và các kỹ năng phục vụ vị trí làm việc tại cơ sở GDNN… 
Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp giúp sinh viên sớm có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo
Các hình thức hợp tác giữa GDNN với doanh nghiệp đã góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN của các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố; đào tạo nghề nghiệp chuyển từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở GDNN sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, từ đó dự báo nhu cầu thị trường lao động để cung cấp cho các khu, cụm   công nghiệp và các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; người học được tiếp cận   với công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hành đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, nâng cao tính chủ động của học sinh sinh viên, bước đầu thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, tăng quyền tự chủ, chủ động trong nhà trường, nâng cao tính cạnh tranh trong các cơ sở GDNN; người học sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được việc làm trong doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động đào tạo tại doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian của cả người học và doanh nghiệp.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Lã Đình Kế cho biết, bên cạnh việc duy trì cung ứng lao động qua đào tạo đối với Tập đoàn LG, Công ty TNHH công nghệ máy văn phòng Kyocera, Công ty Cổ phần Xây dựng Liên Việt, từ đầu năm 2023 đến nay, nhà trường còn phối hợp với Công ty Cổ thoát nước Hải Phòng, Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng tổ chức 2 lớp đào tạo lại 40 lao động. Nhà trường cùng công ty tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức thực hành thực tế tại  cơ sở, còn doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí giảng dạy, địa điểm thực tập, giám sát quy trình đào tạo. Qua đó, phát huy lợi thế của mỗi bên, tăng cường sự hợp tác của các bên trong quá trình đào tạo cung ứng lao động. 
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng, tính đến tháng 12/2022, hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố có 44 cơ sở GDNN (có 19 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN), 14 trung tâm GDNN-GDTX quận/huyện) và 11 cơ sở có hoạt động GDNN; trong đó có 09 cơ sở GDNN thuộc doanh nghiệp, 05 doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường lao động với hơn 100 ngành, nghề; trong đó có 76 lượt ngành, nghề trọng điểm   được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia. Bước đầu, Hải Phòng đã hình thành hệ thống ngành, nghề trọng điểm đào  tạo nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao phục vụ lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Kết quả tuyển sinh GDNN toàn thành phố năm 2021, 2022 đạt là 105.000 học sinh, sinh viên, học viên; trong đó, trình độ cao đẳng 8.000 sinh viên; trình độ trung cấp 10.800 học sinh; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 86.200 học viên. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp đạt trên 85%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 86%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên đạt 37%.
Về chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm của các cơ sở GDNN, theo đánh giá là có bước chuyển biến tích cực, kỹ năng nghề của học sinh sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp được nâng lên, đã dần đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó cung cấp lao động có tay nghề cao cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển thành phố và đất nước, thể hiện cụ thể qua kết quả tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo.
Kết quả tổng hợp từ các cơ sở GDNN nghiệp cho thấy, khoảng trên 80% sinh viên trình độ cao đẳng có việc làm sau khi tốt nghiệp, được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận. Trong năm 2022, có gần 40 nghìn học viên sau đào tạo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tìm kiếm được việc làm. Có được kết quả này là do nhiều cơ sở GDNN đã đẩy mạnh thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Một số nghề như Hàn, Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp.. tỷ lệ có việc làm đạt 100%; khoảng 65% học sinh trình độ trung cấp sau tốt nghiệp có việc làm; khoảng 80% người học nghề trình độ sơ cấp có việc làm ổn định, phần lớn được các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tuyển dụng vào các vị trí việc làm đơn giản, phổ thông, không cần tay nghề cao; một số người lao động được bố trí làm chính công việc họ đang làm nhưng có năng suất, chất lượng cao hơn, giúp ổn định cuộc sống.
Nhìn chung, lao động qua đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng tham gia vào hầu hết các lĩnh vực ngành nghề của các khu công nghiệp; đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do kỹ thuật viên nước ngoài thực hiện./.
Mỹ Hạnh