Lao động
Hải Phòng: Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động
10:13 AM 14/05/2020
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp, các ngành và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp để cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc nhằm tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Năm 2019, tai nạn lao động trên địa  bàn thành phố giảm 15,9% so với năm 2018
Thời gian qua, UBND thành phố và Sở LĐTBXH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành pháp luật về lĩnh vực ATVSLĐ, như: Các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật ATVSLĐ; Kế hoạch tổ chức triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm. Đồng thời chỉ đạo các địa phương theo dõi sâu sát hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, với việc chủ động đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức. Năm 2019, các cơ quan thông tin, truyền thông địa phương và trung ương đã xây dựng và phát sóng 145 phóng sự và 480 tin, bài tuyên truyền về công tác ATVSLĐ. Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức Hội nghị đối thoại, trả lời, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp định kỳ hàng tháng do Lãnh đạo UBND thành phố chủ trì cùng với đại diện các Sở, ngành, địa phương liên quan; Tổ chức các phiên đối thoại trực tuyến giữa Lãnh đạo các Sở, ngành với người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử thành phố; Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng thực hiện chương trình “Anh toàn cháy, nổ”, “Dân hỏi Giám đốc Sở trả lời”…
Công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động cũng được chú trọng. Năm qua, các doanh nghiệp của thành phố đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ định kỳ cho hơn 105.000 người.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp với các Sở, ban ngành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, ATVSLĐ tại 170 đơn vị, kiểm tra 80 doanh nghiệp sản xuất và 10 dự án xây dựng trên địa bàn thành phố. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 3.102 sai phạm; Xử phạt hành chính 112 tổ chức, cá nhân vi phạm trong các lĩnh vực lao động, ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Với các giải pháp đồng bộ, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn năm qua đã được kiểm soát. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH Hải Phòng, năm 2019, tai nạn lao động giảm 15,9% so với năm 2018. Thành phố Hải Phòng không nằm trong 10 địa phương có số vụ TNLĐ nhiều nhất; đồng thời số người mắc BNN cũng giảm; điều kiện làm việc được cải thiện… Năm 2019, trên địa bàn thành phố có 1 tập thể được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Cờ thi đua xuất sắc, 10 tập thể, 4 cá nhân được xét tặng bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và UBND thành phố; 5 tập thể, 5 cá nhân được nhận Giấy khen của Cục trưởng Cục An toàn lao động và Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Giám đốc Công an thành phố đã công nhận 108 điển hình tiên tiến về phòng cháy chữa cháy…
Năm 2020 là năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện Chương trình hành động số 76-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thành phố được dự báo tiếp tục bứt phá với tốc độ cao. Nhiều doanh nghiệp lớn, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trên thế giới chính thức đi vào sản xuất tại địa phương. Lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp sản xuất ô tô, may mặc, xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh. Nhiều dự án, công trình xây dựng trọng điểm của thành phố tiếp tục được triển khai nhanh. Do nhu cầu lao động ngày càng gia tăng, lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động nông thôn tiếp tục được các doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được hội nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, các công nghệ tự động hóa được áp dụng sâu rộng. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa sâu rộng các hoạt động dịch vụ về ATVSLĐ dễ dẫn tới chất lượng cung cấp các dịch vụ này bị ảnh hưởng do cạnh tranh không lành mạnh. Đó là thuận lợi nhưng cũng là thách thức về công ATVSLĐ, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ, để tạo môi trường làm việc an toàn, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào thành phố.
Năm qua, các doanh nghiệp của thành phố đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ định kỳ cho hơn 105.000 người
Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”, thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện về kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động như: Xây dựng, phát sóng các thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa tai nạn lao động; phát sổ tay, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn, video tuyên truyền về ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, người lao động… Đồng thời tăng cường các lớp tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, huấn luyện kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động, doanh nghiệp trong khu vực làng nghề, phi kết cấu; tăng cường tuyên truyền, rà soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại các công trình xây dựng, giao thông tập trung đông người, các trung tâm thương mại, trường học, khu dân cư về an toàn điện, hàn cắt kim loại, phòng ngừa ngã cao, vật rơi, đổ sập, cháy, nổ…
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra về ATVSLĐ, tập trung vào một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, xây dựng, điện, khai thác đá, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp… Đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Thăm quan các mô hình, doanh nghiệp điển hình về ATVSLĐ…/.
Nguyễn Hiền