Xã hội
Hải Phòng chung tay chăm lo cho người yếu thế
01:06 PM 19/03/2021
(LĐXH) – Những năm qua, thành phố Hải Phòng đã ban hành nhiều chính sách cũng như huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo và những đối tượng yếu thế trong xã hội.
Năm 2020, thành phố chi hơn 518 tỷ đồng để hỗ trợ những người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng
Trong đó phải kể đến Nghị quyết 53 của HĐND thành phố về “Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025”. Các đối tượng được thụ hưởng là: Người khuyết tật; người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng; người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người đơn thân nghèo đang nuôi con; người nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi… Theo quy định tại Nghị quyết 53, mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố tăng từ 270 nghìn đồng (chuẩn trợ giúp xã hội của Trung ương) lên 380 nghìn đồng/tháng/hệ số 1, gấp 1,4 lần so với mức chuẩn trung ương. Theo đó, mức tăng của người thuộc diện bảo trợ xã hội từ 110 đến 330 nghìn đồng mỗi tháng, tương đương với người hưởng hệ số trợ giúp xã hội từ 1 đến 3. Nghị quyết 53 cũng quy định một số chính sách trợ giúp khác như tăng mức trợ cấp mai táng phí khi người cao tuổi qua đời. Lần đầu thành phố đưa vào diện hưởng trợ cấp xã hội đối với người từ 75 đến 79 tuổi ở khu vực vùng núi, hải đảo, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Sau 1 năm thực hiện, gần 8 vạn người dân thành phố được cải thiện cuộc sống, vơi bớt khó khăn… Để thực hiện tăng mức hỗ trợ những người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, năm 2020, thành phố chi hơn 518 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2019. Qua đó, góp phần giúp người yếu thế cải thiện điều kiện sống, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Ông Phạm Văn Huấn, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hải Phòng cho biết: “Đây là chính sách thiết thực, hiệu quả cao khi hỗ trợ hàng vạn người khuyết tật, trẻ mồ côi cải thiện điều kiện sống. Bởi so với người bình thường, họ không có khả năng lao động hoặc lao động với năng suất thấp, thu nhập vì thế cũng thấp hơn”.
Đại diện lãnh đạo huyện Tiên Lãng trao quà cho gia đình chính sách
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố cũng luôn quan tâm, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động kinh phí giúp đỡ thêm người thuộc diện bảo trợ xã hội, để họ có điều kiện sống tốt hơn. Năm 2020, các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hải Phòng đã vận động được 9,7 tỷ đồng (vượt 1,7 lần so với kế hoạch năm), hỗ trợ, giúp đỡ gần 15 nghìn lượt người. Trong đó tặng gần 10.300 suất quà Tết, trị giá hơn 4 tỷ đồng; hỗ trợ xây 23 nhà nhân ái, tặng 899 suất học bổng cho trẻ em, tặng 219 xe đạp đến trường, xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật… Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng cũng vận động được 4,4 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch, giúp hơn 6.600 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn là trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ mồ côi, trẻ bị bệnh tật… Các tổ chức như: Hội Người mù, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng vận động nguồn lực giúp người khuyết tật xây, sửa nhà, tạo sinh kế, hỗ trợ trẻ em diện khó khăn đặc biệt.
Theo UBND TP Hải Phòng, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ nâng mức trợ cấp xã hội từ 650.000 đồng/tháng lên mức 1 triệu đồng/tháng, tăng gần gấp 2 lần mức hỗ trợ bình quân của cả nước. Cụ thể, mức trợ cấp xã hội Hải Phòng dự kiến tăng trong giai đoạn 2021 - 2025 cho các đối tượng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo; người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo thuộc hộ nghèo. Ngoài ra, người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo đang có người phụng dưỡng nhưng người phụng dưỡng đó lại thuộc hộ nghèo thì cũng được hưởng chế độ này.
Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các hộ nghèo trên địa bàn Hải Phòng khi vay tiền xây, sửa chữa nhà; xây dựng công trình cấp nước sạch với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ xây nhà mới, 30 triệu đồng/hộ sửa nhà, 10 triệu đồng/hộ xây dựng công trình cấp nước sạch. Hải Phòng cũng thực hiện hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ nghèo để lắp đặt thiết bị tiếp cận thông tin từ nguồn ngân sách địa phương. Như vậy, so với quy định thực hiện nghị định 136/2013 của Chính phủ về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, mức hỗ trợ cho các đối tượng của Hải Phòng đã tăng gần gấp 2 lần mức hỗ trợ bình quân của cả nước./.
Minh Hưng