Lao động
Hải Dương: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, giúp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
10:22 AM 23/03/2021
(LĐXH) – Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp, ngành của tỉnh Hải Dương quan tâm triển khai thực hiện, nhằm góp phần kiềm chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 14.265 doanh nghiệp với 304.761 lao động. Để đảm bảo ATVSLĐ, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, thời gian qua, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh cùng các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Hải Dương đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác ATVSLĐ. Trong đó, đã ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn để triển khai công tác ATVSLĐ; tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức về ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động và nhân dân. Các đơn vị cũng ban hành các tài liệu, tờ rơi để tuyên truyền các quy định ATVSLĐ đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố, các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về việc làm, an toàn lao động tại các xã, phường, thị trấn.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn lao động
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh. Tuy vậy, công tác ATVSLĐ vẫn luôn được chú trọng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất luôn phải thực hiện song hành vừa bảo đảm ATVSLĐ, vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho NLĐ. Để tăng cường công tác ATVSLĐ, năm 2020, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành công văn số 3057/UBND-VP yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác ATVSLĐ. Trong đó, yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề (trong đó có cả các lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, lao động làm công việc thi công xây dựng dân dụng tại các nhà dân, hộ gia đình).
Triển khai công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN.Tổ chức điều tra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng đầy đủ kịp thời, (trong đó điều tra tai nạn lao động cả đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động). Hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ, chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, vật rơi, đổ sập, điện giật …; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định về ATVSLĐ cho người lao động.
Đồng thời tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động. Tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về ATVSLĐ
Các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, thuộc lĩnh vực quản lý chủ động công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ. Tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm chú ý công tác ATVSLĐ, đặc biệt công tác huấn luyện, xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ…
Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATVSLĐ, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương cũng tích cực tuyên truyền về phổ biến chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN; hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, giúp người lao động hiểu được những quyền và lợi ích của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời giúp các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ để hạn chế thấp nhất TNLĐ, đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ về bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động. Trong năm 2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải dương đã tổ chức tuyên truyền nội dung này cho trên 450 người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ và bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong tỉnh được triển khai các nội dung về một số quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ. Các chế độ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN. Các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN; Nghị định số 58 của Chính phủ về quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN...
Với các hình thức tuyên truyền phong phú, thiết thực, những năm qua, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có ý thức thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Qua đó, công tác ATVSLĐ đã có chuyển biến rõ nét. Các doanh nghiệp quan tâm trang bị bảo hộ cá nhân cho người lao động để cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân... Người lao động cũng đã có ý thức hơn trong tuân thủ các quy định về ATVSLĐ khi sản xuất, kinh doanh. Ở các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực không có hợp đồng lao động, công tác tuyên truyền về ATVSLĐ bước đầu đã có tác động tích cực. Nhiều gia đình, cá nhân sử dụng lao động đã quan tâm tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ và có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, BNN, đảm bảo môi trường làm việc an toàn để người lao động yên tâm làm việc./.
Minh Hưng