Xã hội
Hà Tĩnh: Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững
01:59 PM 13/10/2021
(LĐXH) - Xác định tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, qua đó góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Hà Tĩnh là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ có tiềm năng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch… Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, những khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn cao, việc làm và thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển tốc độ giảm nghèo còn chậm và không đồng đều giữa các vùng.
 Nguồn vốn đầu tư cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Số người thiếu việc làm và chưa có việc làm cũng như số hộ tái nghèo còn nhiều. Việc tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh đặt ra cho các cấp, các ngành.
Xác định tín dụng chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng thuận lợi, tiết giảm thời gian, chi phí, giúp họ biết sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành liên quan triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh đã tập trung nâng cao năng lực hoạt động cho Chi nhánh NHCSXH từ việc cấp đất xây dựng trụ sở làm việc cho Hội sở tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện, chuyển giao nhà dôi dư, hỗ trợ mua sắm phương tiện làm việc đến việc huy động nguồn lực và chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội gắn với mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; Hàng năm trích ngân sách tỉnh và các huyện chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay từ 18 - 20 tỷ đồng.

Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

làm thủ tục giải ngân vốn cho người dân

Triển khai Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội gắn với thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH theo Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo quyết liệt đưa Chỉ thị của Ban Bí thư vào cuộc sống, góp phần thay đổi nhận thức, trách nhiệm, hành động của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từ đó huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra, quản lý chặt chẽ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách; chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách để có căn cứ xác nhận đối tượng vay vốn tín dụng chính sách. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách, thường xuyên kiện toàn Ban giảm nghèo, thực hiện tốt việc tham mưu quản lý, phê duyệt danh sách vay vốn, chấn chỉnh, củng cố, nâng cao chất lượng uỷ thác của các Hội đoàn thể cấp xã, nâng cao trách nhiệm bình xét, xác nhận đối tượng cho vay, bố trí nơi đặt điểm giao dịch tại xã cho NHCSXH, tạo điều kiện cho Tổ giao dịch xã thực hiện các giao dịch với nhân dân thuận lợi, đảm bảo an toàn, đúng lịch công khai; chỉ đạo Trưởng thôn phối hợp với Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách, theo dõi sử dụng vốn, đôn đốc xử lý kịp thời các khoản nợ đến hạn, thực hiện các biện pháp kiên quyết để thu hồi nợ; tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách, tạo tâm lý muốn vay nhưng không muốn trả nợ trong nhân dân.
UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển NHCSXH từ việc phổ biến, tuyên truyền các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực, triển khai các chính sách mới, lồng ghép tín dụng chính sách với phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới, lựa chọn Hội đoàn thể làm uỷ thác, vận động thành lập, kiểm tra Tổ TK&VV, kiểm tra sử dụng vốn đến quản lý nguồn vốn, giải ngân, đôn đốc xử lý thu hồi các khoản nợ.
Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị tổ chức sơ kết chiến lược phát triển NHCSXH để đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, xử lý các đề xuất, kiến nghị để nâng cao năng lực hoạt động của Chi nhánh NHCSXH nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên thực hiện tốt các nội dung uỷ thác cho vay, tăng cường công tác tuyên truyền, củng cố, nâng cao chất lượng mạng lưới làm uỷ thác từ cấp huyện đén các xã và thôn. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh nâng cao năng lực hoạt động của Hội cấp xã và Tổ TK&VV, chỉ đạo thực hiện bình xét đối tượng vay vốn, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn, xem đây là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm uỷ thác, Ban quản lý Tổ TK&VV, kiện toàn thay thế kịp thời các tổ chức Hội, Ban quản lý Tổ hoạt động yếu làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách.
Tỉnh thực hiện lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm với các chương trình tín dụng chính sách, các chính sách của tỉnh về mở rộng và phát triển  ngành nghề cho người nghèo, các đối tượng chính sách để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện sử dụng vốn hiệu quả.
Chất lượng tín dụng và ý thức trả nợ của người vay được coi trọng. Đối với những địa bàn chất lượng tín dụng thấp, UBND các cấp chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc xử lý thu hồi. Ban thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các đoàn công tác phân công các thành viên kiểm tra, chỉ đạo UBND xã, các Hội đoàn thể phối hợp thực hiện đôn đốc, xử lý phù hợp; đồng thời UBND các huyện giao cho các cơ quan thi hành pháp luật, UBND các xã thành lập các đoàn chỉ đạo, phân tích, xác định nguyên nhân từng khoản nợ để thu hồi; gắn chất lượng tín dụng chính sách với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh mở các chuyên mục tuyên truyền về tín dụng chính sách, cơ chế, chính sách cho vay của từng chương trình tín dụng, phản ánh các gương điển hình sử dụng vốn vay có hiệu quả để nâng cao hiểu biết cho các đối tượng thụ hưởng; giúp họ phân biệt được vai trò của tín dụng chính sách với tín dụng thương mại, khi vay vốn phải trả nợ đúng hạn, sử dụng vốn đúng mục đích để tạo việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo cho chính mình và góp phần ổn định xã hội.
 
Người dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phát triển sản xuất nhờ nguồn vốn 
tín dụng chính sách 
Vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 -2020, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động nguồn vốn 4.978 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng, tăng 2.780 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chiến lược, trong đó nguồn vốn cân đối của trung ương là 4.018 tỷ đồng, nguồn vốn huy động 828,5 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác là 131,5 tỷ đồng.
Hà Tĩnh đã xây dựng được màng lưới chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến 100% số thôn, xóm, khối phố của 216 xã, phường trong tỉnh. Hệ thống cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của Hội sở tỉnh và 12 Phòng Giao dịch cấp huyện được trang bị đầy đủ, xây dựng được 216 Điểm giao dịch/216 xã, phường, có 52 Hội cấp huyện, 735 Hội cấp xã làm uỷ thác; 3.314 Tổ TK&VV, gần 114 ngàn hộ đang thụ hưởng 16 chương trình tín dụng. Các cơ chế, chính sách, thông tin liên quan của khách hàng được công khai đầy đủ để nhân dân tham gia giám sát; đồng thời NHCSXH tiết giảm thời gian và chi phí, hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách vay vốn một cách thuận lợi nhất, các giao dịch giữa khách hàng với ngân hàng chủ yếu được thực hiện tại Điểm giao dịch xã.
Trong giai đoạn 2011 -2020, Chi nhánh NHCSXH Hà Tĩnh và các Hội đoàn thể làm uỷ thác cho vay đã giải ngân 11.422 tỷ đồng, cho 421.071 lượt hộ vay, doanh số thu nợ 8.668 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến tháng 12/2021 là 4.933 tỷ đồng, tăng 2.754 tỷ đồng so với năm 2010. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ thu nợ đến hạn bình quân hàng năm trên 85%, tỷ lệ thu lãi hằng tháng trên 99%; số nợ xấu giảm từ 14,6 tỷ đồng năm 2010 xuống còn 4,2 tỷ đồng năm 2020; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,66% năm 2010 xuống còn 0,09% năm 2020.
Kết quả thực hiện tín dụng chính sách những năm qua trên địa bàn Hà Tĩnh đã khẳng định chủ trương thực hiện chiến lược phát triển NHCSXH đối với mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới là phù hợp với thực tiễn.
Thông qua thực hiện chiến lược phát triển NHCSXH đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở với hàng nghìn người tham gia hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục tình trạng thiếu vốn sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 8 nghìn lao động; gần 152 nghìn hộ đã thoát ngưỡng nghèo đói, trên 141 nghìn hộ đời sống được cải thiện; gần 135 nghìn hộ có chuyển biến về nhận thức, cách làm ăn; 512 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; trên 62 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Bằng nguồn vốn tín dụng chính sách tỉnh đã xây dựng được gần 161 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; xây dựng, sửa chữa 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, hơn 102 nhà chòi cho hộ nghèo tránh lũ và khôi phục, phát triển một số ngành nghề truyền thống tại các địa phương.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 11,4% đầu năm 2016 xuống còn 3,5% cuối năm 2020; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh từ 8,4% đầu năm 2016 xuống 4,31% cuối năm 2020. Vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần giúp 173 xã (chiếm 81% số xã toàn tỉnh) hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, làm cho nông thôn khởi sắc, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương.
Qua việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, chính quyền các cấp, các Hội đoàn thể có thêm điều kiện củng cố hoạt động ở cơ sở, gắn kết cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào hoạt động, làm cho nhân dân tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các hộ nghèo, hộ chính sách được nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự lực vươn lên trong sản xuất để tạo thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chính quyền các cấp có điều kiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội với các chương trình tín dụng chính sách như: Chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp, chương trình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; phong trào 5 không 3 sạch; giúp nhau xóa đói giảm nghèo; xung kích lao động sáng tạo phát triển kinh tế, xã hội.
Thảo Lan